Ngày 19/5, tại thành phố Tam Kỳ, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Bảo tồn Voi châu Á tại huyện Bắc Trà My, huyện Hiệp Đức” nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát và tìm giải pháp bảo tồn hiệu quả quần thể Voi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Voi châu Á là loài thú lớn quý hiếm và duy nhất thuộc họ Voi Elephantidae, bộ có vòi Proboscidea ở Việt Nam. Loài Voi châu Á được xếp hạng nguy cấp trong Danh lục Đỏ IUCN (EN, IUCN, 2020) và cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam. Tại Việt Nam, voi phân bố ở một số tỉnh như: Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Thuận, Đồng Nai.
Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), từ năm 2009-2015 có ít nhất 29 cá thể voi bị sát hại hoặc gặp nguy hiểm, trung bình mỗi năm ít nhất 4 cá thể voi chết hoặc gặp nạn. Số lượng cá thể Voi ở Việt Nam chỉ còn khoảng 100 cá thể do mất sinh cảnh sống, quần thể bị chia cắt và bị săn bắt trái phép. Trước yêu cầu thực tiễn cáp bách cần bảo tồn voi tự nhiên ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 phê duyệt Đề án tổng thể Bảo tồn Voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng: Hiện nay, khu vực Voi phân bố chỉ còn ở Tiên Phước, Bắc Trà My, Nông Sơn, Nam Giang và Phước Sơn. Năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tỉnh Quảng Nam tại huyện Nông Sơn. Tháng 4/2020, dự án Trường Sơn Xanh đã công bố một số kết quả ghi nhận ban đầu về tình trạng quần thể voi tại Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, Quảng Nam. Cụ thể đã ghi nhận 1 đàn với số lượng 8 cá thể. Dựa trên quan sát và hình ảnh tại hiện trường, bước đầu có thể xác định cấu trúc của đàn bao gồm: 1 voi đực trưởng thành, 1 voi đực bán trưởng thành, 3 voi cái trưởng thành, 2 voi cái bán trưởng thành và 1 voi con. Đây là đàn voi có cấu trúc đàn nhiều cấp tuổi khác nhau và rất khả thi cho sự phát triển trong tương lai. Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng đã xác định sơ bộ được vùng sống của đàn voi ở đây chủ yếu là khu vực phía Nam của Khu bảo tồn, nơi tập trung rừng hỗn giao tre nứa.
Hiện tỉnh Quảng Nam có một đàn voi sống biệt lập tại khu rừng thuộc huyện Bắc Trà My và ở ngoài Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tỉnh Quảng Nam; chưa có thông tin chính xác về hiện trạng số lượng cá thể và cấu trúc đàn. Từ thực tiễn này, việc điều tra đánh giá hiện trạng số lượng cá thể voi, cấu trúc đàn, sinh cảnh sống và nguồn thức ăn của Voi tại huyện Bắc Trà My là cấp bách và cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn tại chỗ hoặc bảo tồn chuyển chỗ các cá thể voi hoang dã tại đây.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, đánh giá hiện trạng và khả năng di dời đàn Voi châu Á từ huyện Bắc Trà My và huyện Hiệp Đức về Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tại tỉnh Quảng Nam thuộc hai xã Phước Ninh và Quế Lâm của huyện Nông Sơn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tập trung phân tích cơ cấu đàn và tỉ lệ giới tính của Voi tại đây để tìm phương án di dời và nhập đàn thích hợp; đồng thời, xây dựng phương án cụ thể nhằm bảo đảm cho công tác di dời, hòa nhập và phát triển đàn voi được thuận lợi và hiệu quả.
Trần Tĩnh