Một ngôi nhà rường cổ ở làng Phước Tích. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Quy mô của Đồ án quy hoạch làng cổ Phước Tích là 53,9 ha, khu vực lập quy hoạch được xác định trên cơ sở ranh giới làng cổ Phước Tích được công nhận là di tích Quốc gia theo quyết định số 832/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mục tiêu của Đồ án quy hoạch là bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống quỹ kiến trúc của làng di sản Phước Tích cũng như các cấu trúc tự nhiên, cảnh quan đặc trưng, kiểm soát phát triển các không gian; giữ gìn nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống, mối quan hệ dòng tộc, xóm giềng, giá trị văn hóa cộng đồng khác nhau trong quá khứ; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề… Quy hoạch còn tập trung đánh giá, dự báo lượng khách đến tham quan, để đề xuất khai thác các di sản văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên nhằm phát triển du lịch…
Đáng chú ý, quy hoạch làng cổ Phước Tích nêu bật nội dung bảo vệ nguyên trạng môi trường, cảnh quan khu vực bảo vệ I; xây dựng hệ thống giao thông phù hợp với cảnh quan; tôn trọng, giữ gìn tối đa các di tích gốc, đặc điểm di tích, phục hồi các di tích phải đảm bảo tính khoa học, khách quan. Quy hoạch chú trọng bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải; khôi phục và phát triển nghề gốm Phước Tích; tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan cho các không gian bảo tồn di tích và phát triển mới (khu vực công cộng, khu vực điểm dân cư nông thôn, khu vực hạ tầng kỹ thuật)...
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 45 km, làng Phước Tích nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hòa. Hiện nay, làng Phước Tích có 117 ngôi nhà, trong đó 24 ngôi nhà cổ có giá trị, ngôi nhà cổ nhất được dựng vào năm 1850, kế đến là ngôi nhà được dựng vào năm 1870. Hệ thống đường, cây xanh nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động làm nên một vùng sinh thái độc đáo. Đặc biệt, nghề gốm đã mang lại nét đặc trưng và giá trị cho làng cổ Phước Tích. Làng cổ Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai (sau làng cổ Đường Lâm - Hà Nội) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 2009... Làng cổ Phước Tích có những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chăm Pa..., trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Năm 2016, sau khi có đề án chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, 25 chủ nhà rường cổ đã xin tham gia đề án. Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã đầu tư, hoàn thành trùng tu, bảo tồn và đưa vào khai thác, sử dụng 5 ngôi nhà rường tại làng cổ Phước Tích, với tổng giá trị đầu tư hơn 3,6 tỉ đồng. Đó là các ngôi nhà của các ông, bà: Hồ Thanh Yên, Trương Thị Thú, Lê Ngọc Thị Thí, Lê Trọng Đào và Lê Trọng Kiểm. Các hạng mục tu bổ, phục hồi tại 5 nhà rường này gồm: Phục hồi tường bao xây bằng gạch đặc; gia công phục hồi cột gỗ, kèo, xuyên xà, đòn tay, rui, lách, ván mái, diềm…; phục hồi hệ thống cửa ra vào, cửa sổ bị hư hỏng; tu bổ phục hồi hoa văn các kết cấu gỗ như kèo, đòn tay; phục hồi màu sắc cho công trình; xử lý chống mối, mọt cho toàn bộ cấu kiện gỗ…
Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý làng cổ Phước Tích cho biết: "Sau khi các nhà rường cổ được bàn giao và đưa vào sử dụng, Ban Quản lý đã phối hợp với chủ các nhà rường xây dựng kế hoạch đón tiếp, cải tạo không gian nhà rường, vệ sinh môi trường để đón tiếp du khách đến trải nghiệm và thưởng lãm tại Làng cổ Phước Tích, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng và homestay". Hiện, làng cổ Phước Tích đã triển khai 9 loại dịch vụ gồm: tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm, làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch. Đáng chú ý, làng Phước Tích hiện có 7 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 nhà tham gia dịch vụ homestay với khoảng 40 chỗ ở.
Làng cổ Phước Tích được thành lập vào năm 1470. Với lịch sử hơn 500 năm, đến nay ngôi làng vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị di sản vật thể vô giá như quần thể di tích kiến trúc dân gian độc đáo gồm 27 ngôi nhà rường cổ và 10 nhà thờ họ, phái cổ được chạm khắc những họa tiết, hoa văn tinh xảo; hàng chục các đình, chùa, miếu... mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế cũng như miền Trung. Trải qua biến cố thời gian, các nhà rường đã xuống cấp trầm trọng. Hệ thống mái kèo, đòn tay, rui và vách tường của nhiều ngôi nhà bị đổ nát, gây khó khăn cho người dân ở đây, nhất là về mùa mưa bão. Cùng với bảo tồn, tu bổ nhà rường cổ, làng Phước tích đang thực hiện trùng tu, phục dựng nguyên trạng miếu Thế Lại Thượng, đình Quy Lai và các hạng mục khác thuộc làng cổ Phước Tích...
Quốc Việt
TTXVN