Bảo tồn tê giác bằng tế bào gốc

Bảo tồn tê giác bằng tế bào gốc
Thụ tinh trong ống nghiệm và cuối cùng là tái lập trình tế bào gốc có thể mang lại hy vọng cứu loài tê giác khỏi tuyệt chủng.
Thụ tinh trong ống nghiệm và cuối cùng là tái lập trình tế bào gốc có thể mang lại hy vọng cứu loài tê giác khỏi tuyệt chủng.

Mục tiêu của dự án là đưa những công nghệ và cách tiếp cận mới trong nỗ lực cứu loài động vật này khỏi sự tuyệt chủng rõ ràng. Trong đó, trọng tâm là duy trì một ngân hàng gene đông lạnh các mô, tinh trùng và tế bào trứng của chúng. Những nguồn này hiện đang được lưu trữ ở cả châu Âu và San Diego (Mỹ).
 
Với nguồn lưu trữ này, nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz (IZW) ở Berlin và Vườn thú San Diego tin rằng, bằng công nghệ sinh sản tiên tiến và sử dụng các tế bào gốc đa năng, họ có thể sản xuất tinh trùng và tế bào trứng, rồi cho thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để tạo ra phôi thai giúp sản sinh ra một quần thể tê giác mới.
 
Tại một hội nghị ở Vienna (Áo), nhóm nghiên cứu trên đã nhất trí về một lộ trình chiến lược để biến mục tiêu này thành hiện thực. Ý tưởng là tạo ra một phôi thai khỏe mạnh, sau đó cấy vào một con tê giác trắng Nam Phi, hiện vẫn còn khoảng 20.000 cá thể.
 
Vấn đề là, quá trình này chưa từng được thực hiện trước đó và nhóm đang làm việc với các con tê giác trắng Nam Phi để phát triển kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Họ tin là sẽ vượt qua được những thách thức trong vòng một vài năm.
 
Hiện chỉ còn hai con tê giác trắng Bắc Phi cái là nguồn tế bào trứng duy nhất để sử dụng trong IVF, nghĩa là số lượng các cá thể sinh ra thành công sẽ chưa đủ để đa dạng sự tồn tại trong tự nhiên. Tuy nhiên, dự kiến trong giai đoạn hai ​​của dự án, các nhà nghiên cứu sẽ cố gắng để tái lập trình các tế bào gốc đông lạnh để phát triển bất kỳ loại mô nào, bao gồm các tế bào tinh trùng và trứng.
 
Nếu dự án này thành công, đây sẽ là một hình mẫu kỳ diệu để bảo tồn các loài vật quý hiếm khác đang đứng trước sự tuyệt chủng.
 
“Dù chúng ta có khả năng lai tạo loài tê giác trắng Bắc Phi trong vườn thú, nhưng tình trạng sức khỏe không cho phép chúng sinh sản tự nhiên nữa. Chúng tôi lạc quan cho rằng dự án sẽ mang lại một cơ hội nhìn thấy con cháu của chính loài tê giác này”, giáo sư Thomas Hildebrant tại IZW nói.
 
Chi tiết đầy đủ của nghiên cứu đã được công bố trên trực tuyến Tạp chí Zoo Biology.

Có thể bạn quan tâm