Bảo tồn cũng nên thức thời

Bảo tồn cũng nên thức thời
1. Rơchăm Tih là cái tên đã quá nổi tiếng trong số các nghệ nhân tại Gia Lai. Cách đây hơn chục năm, anh đã tiên phong trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Jrai, trong đó có cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc. Gặp anh mới đây trong một sáng cao nguyên đầy gió, cùng ngắm nhìn ngôi nhà sàn đúng kiểu truyền thống, anh vẫn một câu tâm huyết như đã nói từ nhiều năm trước: “Bản sắc văn hóa thì mình phải giữ, nếu nó chết đi thì uổng phí lắm!”.
 
Nghệ nhân Ưu tú Rơchăm Tih (thứ 3 từ trái sang), người luôn nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Jrai.
Nghệ nhân Ưu tú Rơchăm Tih (thứ 3 từ trái sang), người luôn nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Jrai.

Ngôi nhà sàn tọa lạc trong vườn nhà Rơchăm Tih (làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), diện tích 6x12 m, toàn bộ bằng gỗ, lợp tôn, kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Khoảng không gian phía dưới nhà sàn được anh tận dụng làm nơi sản xuất các loại nhạc cụ hay đồ lưu niệm như: gùi, đàn t’rưng nhỏ, chuông gió, nỏ… Vì thế, tại đây, hàng đống tre, nứa đang nằm la liệt. Phía trên nhà sàn, Nghệ nhân Ưu tú này dự định sẽ làm nơi trưng bày các loại nhạc cụ, sản phẩm du lịch. Tiếp đến, năm 2018 anh sẽ mở dịch vụ biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách.

Rồi anh lấy 1 chiếc que vẽ ra nền đất dự định của mình: Phía trước nhà sàn sẽ dựng 1 cây nêu. Phía đối diện là 1 căn chòi lá hình vòng cung để du khách nghỉ chân, sau đó sẽ thưởng thức tiếng cồng chiêng ngay tại một làng Jrai trong phố. Nhưng anh lại đi một hướng rất riêng, khác với những nghệ nhân Jrai đã làm trước đó: Không phục vụ ẩm thực, chỉ chuyên cồng chiêng. Du khách cũng có thể tìm hiểu cách thức làm ra các loại nhạc cụ, mua đồ lưu niệm; thậm chí, có thể theo chủ nhân xưởng chế tác nhạc cụ lên rừng tìm tre nứa để hiểu ngọn nguồn từng công đoạn, nếu muốn.

Như Rơchăm Tih nhìn nhận, cả chục năm nay anh vẫn “sống khỏe” với nghề chế tác nhạc cụ, cái nghề mà ở đất này anh đã là “bậc thầy”, đã đào tạo ra bao học trò. Không chỉ làm các sản phẩm du lịch và bán ra các tỉnh bạn Kon Tum, Đak Lak, Lâm Đồng hay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An…, cơ sở của anh còn nhận được “đơn đặt hàng” của Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để cung cấp các loại nhạc cụ: t’rưng, tingning (goong)… Vậy nhưng, anh vẫn theo đuổi quyết tâm làm thêm cái gì đó mới hơn, vừa thu hút khách du lịch các nơi, vừa quảng bá rộng rãi hơn về văn hóa dân tộc Jrai.

Và đó là “dự án” như anh đã trình bày ở trên. Rất thức thời. Song cái thức thời của anh cũng lại rất chắc chắn, không phải là thứ dịch vụ ăn xổi khi anh chia sẻ: “Cứ từ từ làm, làm cho kỹ lưỡng, không vội vàng”. Chẳng hạn, với anh đàn t’rưng không phải làm xong là bán ngay, mà phải phơi giàn bếp, rồi để cho ổn định, vót “âm thanh” lại, khi nào chuẩn mới xuất xưởng. Vì vậy, một bộ đàn t’rưng phải hàng tháng trời mới làm xong.

2. Khá nhiều nghệ nhân, trí thức người Jrai ở TP. Pleiku rất biết cách để tồn tại, cân bằng giữa việc bảo tồn với việc kiếm sống từ vốn văn hóa dân tộc thấm đẫm trong con người mình. Nghệ nhân tạc tượng Ksor Hnao (làng Kép, TP. Pleiku) là một ví dụ khi gần đây mở một nhà hàng ẩm thực Jrai với đầy đủ các thức món truyền thống đặc sắc, kèm phục vụ cồng chiêng, được hưởng ứng rất nhiệt tình. Trước đó, Ksor Thức, một giáo viên dạy nhạc, chủ nhân quán cơm lam gà nướng Bazan (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cũng đã tạo dựng được “thương hiệu”. Chưa kể, Bazan còn hấp dẫn thực khách bởi các tiết mục ca hát, biểu diễn đàn t’rưng, trống cajon… của các nghệ sĩ Jrai chuyên và không chuyên. Và trước cả Ksor Thức, người dân cũng như du khách các nơi từng ùn ùn kéo đến thưởng thức món cơm lam, gà nướng ở làng Tiêng (xã Tân Sơn, TP. Pleiku), cũng của một ông chủ Jrai.

Những ví dụ trên cho thấy, nhiều người con Jrai đã nhìn ra rất nhanh một xu hướng rằng: Không còn chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” nữa, mà phải quảng bá, bằng cách này hay cách khác. Văn hóa được bảo tồn không phải bằng sự giữ gìn khư khư cứng nhắc, mà cần hài hòa với đời sống và nhất là hài hòa với nhu cầu kiếm sống của chủ nhân nền văn hóa ấy. Nói cách khác là phải thức thời. Điều này là tất yếu. Như Ksor Thức từng trăn trở: “Văn hóa, âm nhạc, ẩm thực của người đồng bào… như là máu đang hàng ngày lưu thông trong huyết quản mình, sao mình không mang cái vốn sẵn có này ra phục vụ du khách, vừa quảng bá văn hóa đồng thời kiếm thêm thu nhập, làm giàu một cách chân chính?”.

Theo baogialai.com.vn

Có thể bạn quan tâm