Tối 15/9/2017, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 10 tại Hà Tĩnh.
Các Bộ, ngành liên quan cũng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác chỉ đạo, ứng phó, hỗ trợ, khắc phục hậu quả của bão.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 17 giờ chiều 15/9 đã có 3 người chết (Hà Tĩnh: 1, Quảng Bình: 1, Thừa Thiên - Huế: 1), 8 người bị thương (Nghệ An: 1, Quảng Bình: 6, Thừa Thiên - Huế: 1); 19 nhà bị sập (Quảng Bình: 13, Quảng Trị: 5, Thừa Thiên - Huế: 1); 23.968 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 5.489 nhà bị ngập (Hà Tĩnh: 3.989 nhà, Quảng Bình: 1.500 nhà). Nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng. Một cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị gãy đổ, 1.142 cột điện hạ thế bị đổ gãy; 1.703 cột điện hạ thế bị nghiêng. Tổng số khách hàng bị mất điện là 1.307.000, đến nay đã khôi phục cấp điện trở lại cho 165.198 khách hàng (đạt 13%)
Có 4 tàu bị chìm tại Quảng Ngãi, 5 ghe máy bị chìm tại Huế, 4 m đê tại đê Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị sạt, 1.800 m đê biển tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định bị sạt lở mái phía Đông (xã Hải Hoà 600 m, xã Hải Thịnh 1.200 m). Hiện tỉnh đang huy động lực lượng trải bạt gia cố mái phía Đông; sập hệ thống đóng mở cống Đồng Màu, đê hữu sông Mã, xã Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn. Hiện địa phương đang huy động lực lượng, phương tiện xử lý.
Để tiếp tục ứng phó với bão số 10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ hoàn lưu bão số 10 nhất là tình hình mưa lũ gây ra sau bão; tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng hỗ trợ dân sửa chữa nhà cửa, ổn định dân sinh, kiên quyết không để dân bị đói, rét, thiếu nước sinh hoạt; huy động lực lượng khẩn trương xử lý các sự cố về đê điều; khôi phục hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc; thu dọn cây bị đổ, gãy, san gạt đất đá sạt lở đảm bảo an toàn giao thông; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh phát sinh.
Các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát các trọng điểm xung yếu về lũ quét, sạt lở đất để kịp thời di dời dân đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Các lực lượng quản lý hồ chứa, đê điều theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, nhất là tại những trọng điểm xung yếu đã tích đầy nước, những công trình đang thi công, sửa chữa dở dang, những hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý, xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn công trình. Chỉ đạo vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi, xả lũ theo đúng quy trình vận hành để đảm bảo an toàn công trình, hạn chế ngập lụt khu vực hạ du.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến mưa lũ, công tác khắc phục hậu quả và phổ biến các kỹ năng phòng tránh, khôi phục để người dân chủ động thực hiện giảm thiệt hại.
Thắng Trung