"Báo động đỏ" ở Khu bảo tồn vịnh biển Nha Trang (Bài 2)

"Báo động đỏ" ở Khu bảo tồn vịnh biển Nha Trang (Bài 2)

Bài 2 (Bài cuối): Giải pháp phục hồi, bảo vệ rạn san hô vịnh biển Nha Trang 

Việc tìm giải pháp bảo tồn, phát triển quần xã sinh vật trong vịnh Nha Trang đã được các cơ quan chức năng, giới chuyên môn, học thuật và người dân quan tâm, đề xuất từ lâu. Trước tình trạng hệ sinh thái rạn san hô trong khu bảo tồn biển ở Hòn Mun suy giảm được người dân đưa lên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của xã hội, vấn đề tìm giải pháp để phục hồi, bảo tồn biển được quan tâm hơn bao giờ hết.

"Báo động đỏ" ở Khu bảo tồn vịnh biển Nha Trang (Bài 2) ảnh 1Một khu vực trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang rạn san hô ở tình trạng chất lượng rất kém. Ảnh: TTXVN

Đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng vịnh

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang nhận định, hệ sinh thái rạn san hô ở khu bảo tồn biển Hòn Mun có suy giảm với nhiều nguyên nhân. Hiện nay, hệ sinh thái rạn san hô tại Hòn Mun vẫn đang diễn ra quá trình phục hồi sau các cơn bão của những năm gần đây. Tốc độ phát triển của san hô tùy thuộc vào từng loài và điều kiện nhiệt độ, độ trong của nước và thức ăn của san hô. Đối với san hô dạng cành, gạc nai mỗi năm tăng từ 0,5 đến 2,5cm; đối với san hô dạng khối phát triển rất chậm, chỉ khoảng 0,5 đến 1cm mỗi năm; loại nhanh nhất cũng chỉ 5-10cm/năm.

Với sự phát triển chậm như vậy, công tác bảo vệ khu bảo tồn biển được Ban quản lý vịnh tổ chức tuần tra 24/24 và xử lý các trường hợp vi phạm. Hồi tháng 3/2022, trong quá trình tuần tra, Đội tuần tra thuộc Ban quản lý vịnh Nha Trang phát hiện ghe mũi nhọn khai thác thủy sản trái phép bằng hình thức bắn súng điện tại phía Bắc Hòn Rơm thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Ban quản lý đã lập biên bản đề nghị mức xử phạt 12,5 triệu đồng; tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản đối với hành vi vi phạm; buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường; buộc chuyển giao thủy sản nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng tuần tra nhiều lần phải đối đầu với sự manh động, liều lĩnh của một số ngư dân cố tình đánh bắt trong vùng cấm. Cách đây vài ngày, lực lượng tuần tra bị người trên một tàu đánh bắt trái phép dùng dao uy hiếp. Ngoài ra, một số trường hợp tàu cá có công suất lớn, hành nghề lưới vây cố tình vào khu vực bảo tồn, bị Đội tuần tra phát hiện trước khi đánh bắt trái phép.

"Chúng tôi cũng có khó khăn. Hiện nay, Ban quản lý vịnh Nha Trang chỉ có một chiếc tàu tuần tra và 6 thành viên làm nhiệm vụ, không được trang bị dụng cụ hỗ trợ. Lực lượng mỏng, trong khi diện tích tuần tra lớn với hơn 296 km2 trên toàn vịnh nên nhiều trường hợp vi phạm phải nhờ đến Biên phòng kết hợp mới xử lý được”, ông Huỳnh Bình Thái chia sẻ.

Trước thực tế trên, khi nói về giải pháp, ông Thái cho biết, riêng khu vực Hòn Mun, sắp tới, Ban quản lý vịnh Nha Trang có phương án lắp camera quan sát ở toàn bộ nơi đây để quan sát hình ảnh tàu thuyền. Nếu tàu vào khu vực cấm thì Ban quản lý sẽ trích xuất camera để đề nghị lực lượng biên phòng xử phạt (khi không có lực lượng tuần tra tại chỗ). Và điều quan trọng để bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô trong vịnh chính là các cấp cần thực hiện các hoạt động cải thiện sinh kế; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân cho cộng đồng cư dân sống bên trong và xung quanh vịnh Nha Trang.

"Báo động đỏ" ở Khu bảo tồn vịnh biển Nha Trang (Bài 2) ảnh 2Một khu vực trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang rạn san hô ở tình trạng chất lượng rất kém. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, Ban quản lý vịnh Nha Trang tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thường xuyên thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào khu vực bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun với số lượng lớn, giá trị cao, phong phú về con giống; đồng thời, quan sát và thường xuyên phối hợp các câu lạc bộ lặn thực hiện lặn đúng vùng biển, không giẫm lên san hô. Đặc biệt là nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp để tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách du lịch để bảo vệ các rạn san hô trong vịnh.

Một người dân Nha Trang hiến kế: Các yếu tố về biến đổi khí hậu, nóng lên của toàn cầu dẫn đến việc san hô suy giảm là tất yếu, chúng ta cần có thêm nhiều chương trình nghiên cứu, phát triển nhân giống các loại san hô thích hợp với vịnh Nha Trang, sau đó đưa chúng trồng vào khu bảo tồn biển.

Cần chính sách phát triển kinh tế biển bền vững


Ở góc độ khác, các nhà chuyên môn đề xuất Quốc hội, Chính phủ có chính sách, đường lối phù hợp để bảo tồn biển, phát triển kinh tế chứ không để khai thác quá mức như hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học nhấn mạnh việc phục hồi bảo tồn không đơn giản là thả giống con này con kia, mà cần Quốc hội, Chính phủ thay đổi chính sách về bảo tồn, phát huy tài nguyên biển ngay từ bây giờ một cách khoa học, hợp lý để những tài nguyên biển như ở vịnh Nha Trang được bảo vệ nghiêm túc, được phát triển hết tiềm năng của nó. Tuy nhiên, chỉ riêng ngành khoa học thì khó mà đảm đương nổi việc bảo tồn, phục hồi và phát triển cho khu bảo tồn vịnh biển Nha Trang.

“Trong các cuộc hội thảo, chúng tôi cũng đã khuyến nghị Nhà nước thay đổi chính sách phát triển kinh tế trên khu vực vịnh Nha Trang nói chung, khu vực Hòn Mun nói riêng. San hô phát triển rất chậm, để hình thành một rạn san hô cần rất nhiều thời gian. Do vậy, việc san hô bị tẩy trắng như hiện nay chắc chắn rất khó phục hồi, mà có được cũng mất rất nhiều thời gian, tiền bạc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tác An thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Tác An còn cho rằng, sinh kế cho người dân rất quan trọng, Nhà nước phải tuyên truyền việc bảo vệ khu bảo tồn; tạo sinh kế ổn định cho dân, chỉ khi cuộc sống ổn định, người dân mới xem tài nguyên biển là của chính họ và tự bảo vệ. Biển có chức năng phát triển du lịch, tuy nhiên muốn khai thác phải nhìn nhận hết chức năng của nó, nhìn toàn cục sự việc rồi quyết định. Trước mắt, cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển khu vực trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực. Sau đó, mời các nhà khoa học lập dự án có tính dài hơi, mang tính bền vững.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc suy giảm hệ sinh thái rạn san hô ở vịnh Nha Trang, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao cho thành phố Nha Trang xử lý, vì đơn vị có Ban quản lý vịnh Nha Trang làm nhiệm vụ bảo vệ khu bảo tồn biển Hòn Mun. Nhiệm vụ trước mắt là kiểm tra lại môi trường và làm việc với Viện Hải dương học để tìm ra nguyên nhân san hô lại chết. Cần phải nghiên cứu cho ra nguyên nhân chính vì sao san hô chết hàng loạt mới có hướng giải quyết cụ thể”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin.

Về phía thành phố Nha Trang, đại diện lãnh đạo UBND thành phố đã nhận được báo cáo sự việc từ Ban quản lý vịnh Nha Trang, nhưng còn một số nội dung cần làm rõ. Vì vậy, trong tuần tới, thành phố sẽ có cuộc họp về việc này, để tìm hướng giải quyết.

Tỉnh Khánh Hòa đã có chiến lược, tầm nhìn cho việc nhân giống, phục hồi phát triển đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang thông qua các dự án của các nhà đầu tư vào việc này. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có Quyết định số 1636 QĐ-UBND giao hơn 28 ha khu vực biển ven Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang cho Công ty Cổ phần Vạn San đảo trong vòng 5 năm để tiến hành thực hiện Dự án "Phục hồi đa dạng sinh học tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên". Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 376/QĐ-BTNMT ngày 1/3/2022.

Hy vọng trong tương lai, không chỉ có Dự án trên mà sẽ có nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, dự án bảo tồn biển từ các doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân để vịnh Nha Trang có thể phục hồi, thu hút các loài sinh vật biển lạ đến sinh sống, phát triển. (Hết)

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm