Báo chí đóng vai trò quan trọng trong phản ánh thông tin về giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số

Nhiều học sinh vào thư viện đọc sách. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN
Nhiều học sinh vào thư viện đọc sách. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Ngày 16/6, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Tạp chí Ngày Nay thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái: Thúc đẩy sự tham gia của báo chí trong giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số”.

Báo chí đóng vai trò quan trọng trong phản ánh thông tin về giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số ảnh 1Nhiều học sinh vào thư viện đọc sách. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Chúng tôi có thể - Hướng tới mức sống và giáo dục tốt hơn” hướng tới tăng quyền năng và cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Dự án do UNESCO triển khai từ năm 2019 với sự hợp tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và chính quyền các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng từ kinh phí do Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) hỗ trợ thông qua Quỹ Malala của UNESCO về Giáo dục cho trẻ em gái.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 vừa qua đã khiến nhiều trường học phải đóng cửa, gây ra sự gián đoạn học tập lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Việt Nam cũng có 21 triệu học sinh bị ảnh hưởng, trong đó có trẻ em gái.

Chiến dịch “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” được Liên minh Giáo dục toàn cầu UNESCO phát động và triển khai trên toàn cầu từ năm 2020, nhằm kêu gọi gìn giữ những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục cho trẻ em gái, đảm bảo tính liên tục trong học tập, thúc đẩy trẻ em gái đi học an toàn khi trường học mở cửa trở lại.

Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trong năm 2021- 2022, chiến dịch “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” được triển khai tại Việt Nam trong dự án “Chúng tôi có thể - Hướng tới mức sống và giáo dục tốt hơn” thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số. Dự án hướng tới thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng. Trong công cuộc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, UNESCO ghi nhận vai trò của báo chí trong việc tạo ra ảnh hưởng tới công chúng và kêu gọi các bên liên quan thực hiện hành động cần thiết.

Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những khám phá về câu chuyện giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số thu thập từ "Hành trình 99 ngày xuyên Việt" đến với các cộng đồng dân tộc thiểu số; vai trò của báo chí trong vấn đề giáo dục của trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Các đại biểu thảo luận về những hình ảnh thường thấy trên báo chí khi đưa tin về người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái; giải pháp để khai thác những cách tiếp cận bền vững hơn giúp phát huy nội lực của trẻ em gái dân tộc thiểu số...

Tọa đàm hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6 như một lời khẳng định sức mạnh của báo chí trong việc tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội, trong đó có việc thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Việt Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm