Ngày 16/6, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Liên Chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức tọa đàm “Phát triển nội dung video trên nền tảng số” nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực nhằm cập nhật thông tin, kỹ năng cho đội ngũ phóng viên, nhà báo, biên tập viên về xu hướng phát triển các hình thức truyền tải thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Tại cuộc tọa đàm, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo TTXVN Vũ Việt Trang chia sẻ, TTXVN bắt đầu chuyển đổi số từ khá sớm, góp phần hỗ trợ quá trình tác nghiệp của những người làm báo TTXVN. Với việc chuyển đổi số, TTXVN đã và đang từng bước xây dựng, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung sau thời gian vận hành hệ thống tác nghiệp đa phương tiện. Các sản phẩm báo chí đa phương tiện, phù hợp với thị hiếu nghe-xem của công chúng được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Các sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như chat-box được khai thác để tăng khả năng tương tác với công chúng. Trong thời gian dịch COVID-19 căng thẳng, chat-box đã đảm nhiệm tốt việc trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến thông tin, quy định được cập nhật liên tục theo tình hình dịch COVID-19. Hiện nay, việc giải đáp các thắc mắc trong mùa tuyển sinh sắp tới cũng đang được chat-box đảm nhận.
Bà Vũ Việt Trang nhấn mạnh: Với TTXVN, chuyển đổi số vừa là tiến trình bắt buộc song cũng là cơ hội để một hãng thông tấn quốc gia thay đổi. Việc chuyển đổi sang sử dụng các thiết bị số giúp người làm báo tác nghiệp và xử lý thông tin nhanh chóng để đưa đến độc giả. Thông tin được thể hiện đa dạng bằng chữ, hình ảnh và cả video thường thu hút công chúng tốt hơn các hình thức thể hiện đơn, truyền thống. Chuyển đổi số góp phần làm đa dạng hóa các hình thức phân phối thông tin báo chí. Từ một sản phẩm báo chí gốc được chuyển thể sang nhiều hình thức thể hiện để tiếp cận tốt hơn đến công chúng qua việc phân phối thông tin dưới nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử (website), ứng dụng (app), nền tảng xã hội… Như vậy, thông tin chính thống của TTXVN sẽ được lan tỏa nhanh hơn và TTXVN hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình trong quá trình chuyển đổi số.
Khi thực hiện chuyển đổi số, trong quá trình phân phối nội dung, TTXVN có thể đo đếm được phản hồi của công chúng, từ đó giúp cơ quan lựa chọn được thông tin và cách thể hiện phù hợp với thị hiếu của công chúng. Đồng thời, để đáp ứng được quá trình chuyển đổi số báo chí, phương thức tác nghiệp của phóng viên từ đơn tuyến có xu hướng chuyển sang đa nhiệm, phóng viên viết có thể thực hiện chụp ảnh, ghi hình… đối với một nội dung thông tin, sự kiện đang diễn ra.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) chia sẻ tổng quan về 7 sự thay đổi lớn của truyền thông thế giới. Trong đó, có 2 sự thay đổi lớn nhất đối với báo chí là việc “kể chuyện bằng text” sang “kể chuyện đa phương tiện” và xu hướng xem ti vi thụ động sang truyền hình lựa chọn (streaming VOD).
Theo thống kê do Kepios công bố tháng 3/2022, số người Việt kết nối mạng internet ngày càng lớn (98,56 triệu người); thời lượng sử internet trung bình mỗi ngày là hơn 6 giờ. Thói quen tiếp cận thông tin của công chúng thay đổi đã góp phần mang đến "quyền lực" cho các nền tảng số. Các cơ quan báo chí chính thống cũng buộc phải chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng, phù hợp với sự khác biệt của các thế hệ khi sử dụng mạng xã hội...
Chia sẻ về quá trình sản xuất và phân phối video trên các nền tảng số, ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh đến yếu tố “chuyên biệt để tạo ra sự khác biệt”. Báo chí chính thống cần có mặt trên tất cả các nền tảng, thực hiện truyền tải thông tin đa dạng đến công chúng để giải quyết vấn đề về tin giả, tin xấu độc được đăng tải tràn lan trên nhiều hình thức, nền tảng số.
Ông Đinh Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đề cập đến sự phát triển của video trên nền tảng số từ góc nhìn đào tạo. Để phù hợp với sự thay đổi của báo chí thời kỳ chuyển đổi số, ông Đinh Ngọc Sơn cho rằng TTXVN cũng như các cơ quan báo chí cần thúc đẩy sự phát triển kênh video trên nền tảng mạng xã hội, đa dạng chủ thể sản xuất với những nội dung phong phú trong đó có nội dung giải trí, xây dựng trung tâm sản xuất video kết nối cộng đồng, phát triển nội dung tin tức, bình luận và tương tác trực tiếp...
Tại tọa đàm, các đại biểu còn chia sẻ về bản quyền trên không gian số, công cụ sản xuất video, chiến lược phát triển video trên báo chí, cách thức thực hiện phát trực tiếp (livestream) các sự kiện "nóng" trên nền tảng xã hội...
Ngọc Bích