Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 6.874 trường, với 2.029 trường Mầm non, 3.101 trường Tiểu học, 1.407 trường Trung học Cơ sở, 377 trường Trung học Phổ thông. Tỷ lệ học sinh Tiểu học của Đồng bằng sông Cửu Long bỏ học chiếm 55,1% trong tổng số cả nước, với các lý do chính như: Đời sống kinh tế khó khăn, dân di cư theo thời vụ, địa hình sông nước khó di chuyển trong mùa mưa...
Tổng chi ngân sách địa phương trung bình/năm (giai đoạn 2011 - 2016) cho các cấp học của vùng có sự phân hóa rõ rệt: Mầm non và Trung học Phổ thông chiếm tỷ lệ thấp nhất, lần lượt là 14,9% và 15,3%, thấp hơn bình quân chung của cả nước. Chi ngân sách cho bậc Trung học Cơ sở là 27% và Tiểu học chiếm 42,8%. Tỷ lệ này cho thấy sự bất hợp lý trong việc phân bổ chi ngân sách địa phương với các cấp học.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương thông qua các chương trình, đề án dành cho Đồng bằng sông Cửu Long còn rất thấp so với các vùng trong cả nước. Cụ thể, Chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2014 – 2015, chỉ có duy nhất huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) được hỗ trợ hơn 7,5 tỷ đồng (chiếm 0,4% tổng số vốn hỗ trợ toàn quốc); Chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2017 – 2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ 717 tỷ đồng (chiếm 12% toàn quốc). Chương trình Mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 từ nguồn vốn sự nghiệp, toàn vùng có An Giang và Kiên Giang được hỗ trợ 37,8 tỷ đồng (chiếm 1,3% tổng số vốn Trung ương hỗ trợ)...
Ngoài ra, một số nguyên nhân chính dẫn đến giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, được đại biểu đến từ các tỉnh, thành trong vùng nêu ra tại hội nghị như: Cơ chế, chính sách của Trung ương chỉ đạo địa phương ưu tiên đầu tư phát triển các ngành mũi nhọn không có ngành Giáo dục. Việc phân bổ vốn đầu tư chú trọng vào 3 chương trình mục tiêu là phát triển kinh tế thủy sản bền vững, cấp điện nông thôn – miền núi – hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dẫn đến thiếu trường, thiếu lớp. Điều này làm gia tăng số lượng học sinh/lớp, tăng áp lực lên giáo viên nhưng lương giáo viên lại không tăng. Đặc biệt đối với bậc Mầm non, giáo viên chịu rất nhiều áp lực, do đó bậc này luôn trong tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, khiến chất lượng giáo dục của bậc Mầm non không được như mong đợi...
Để toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt được mức bình quân chung của cả nước về cơ sở vật chất, cần xây mới khoảng 3.300 phòng học (bậc Mầm non và Tiểu học); cải tạo, nâng cấp (kiên cố hóa) khoảng 8.550 phòng học; mua sắm, bổ sung gần 2.200 bộ thiết bị dạy học; đầu tư mới 758 phòng học bộ môn (bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông).
Đại biểu các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long nêu những điểm nghẽn trong phát triển giáo dục. Ảnh: Ánh Tuyết – TTXVN |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, có thể coi đây là Hội nghị Diên hồng với Đồng bằng sông Cửu Long về giáo dục và đào tạo. Mục đích nhằm xem xét thực trạng, tìm ra những vấn đề đang cản trở chất lượng giáo dục đào tạo trong khu vực. Từ đó, đề xuất những nhóm giải pháp để phát triển giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho vùng, đảm bảo tính khả thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định sát với thực tế, những vấn đề rộng, có tính chất vùng sẽ cân nhắc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về giáo dục và đào tạo cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ sẽ rà soát các thông tư liên tịch, thông tư ban hành trong thẩm quyền để bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng bộ chỉ số đánh giá giáo dục các địa phương, qua đó nhìn nhận chất lượng giáo dục của từng địa phương, từng vùng, từ đó biết đâu là vùng trũng và trách nhiệm đến đâu của từng bộ, ngành, địa phương.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chuyên môn chứ không quyết định tuyển bao nhiêu. Vì vậy, các địa phương cần chủ động rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Bộ đã ban hành. Căn cứ tinh thần Nghị quyết 29, Nghị quyết 18, 19, các địa phương sắp xếp cơ sở trường lớp, xây dựng đề án quy hoạch giai đoạn tới. Quá trình xây dựng đề án, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ để đề án vừa bám sát thực tiễn, vừa bám sát các quy định về quản lý nhà nước. Các địa phương cần lưu ý tới chất lượng, tính thiết thực và hiệu quả khi xây dựng đề án quy hoạch sắp xếp trường lớp; đồng thời, kiên quyết tinh gọn đội ngũ cán bộ quản lý, phục vụ. Cấp Phòng Giáo dục hiện định biên ít nhưng đối tượng quản lý nhiều. Lãnh đạo địa phương cần quan tâm biên chế phòng giáo dục, năng lực của đội ngũ giáo viên.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần tăng tỷ lệ ngân sách địa phương chi cho giáo dục. Vì thực tế, chi cho giáo dục trong tổng chi ngân sách hiện nay của Đồng bằng sông Cửu Long đang thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Đặc biệt là cần chú trọng chi đầu tư phát triển trường lớp, thiết bị. Tại các điểm trường, các địa phương cần rà soát và kiểm tra để không xảy ra tình trạng thiết bị không được sử dụng trong các giờ giảng mà đắp chiếu, sau một thời gian bị hư hỏng, lỗi thời... Cùng với đó là xem xét lại cơ cấu chi ở từng cấp học, tăng chi cho bậc Mầm non./.
Ánh Tuyết