Bàn giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên

Một góc vùng chè an toàn xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Một góc vùng chè an toàn xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Ngày 4/10, Hội Nước sạch và Môi trường phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Một số giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên ảnh 1Gia đình ông Lý Văn Tiến, bà Bùi Thị Hoa ở xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ vay 100 triệu cải tạo chăm sóc 8 sào chè lai F1 cho hiệu quả tốt. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ông Hoàng Cường Quốc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về môi trường (tiêu chí số 17) là một trong những tiêu chí khó đạt và khó giữ bền vững. Các địa phương đã hoàn thành tiêu chí này, để đạt chuẩn và tiến tới nâng cao chất lượng cũng gặp nhiều khó khăn. Tỉnh có 115/126 xã đạt tiêu chí về môi trường. Tuy nhiên, chất lượng tiêu chí này chưa hoàn thiện và còn thiếu tính bền vững nếu không sớm đề ra các giải pháp đồng bộ. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng, chỉ ra những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp nhằm giúp hoàn thiện, nâng cao chất lượng tiêu chí về môi trường, xác định vai trò của các nhà quản lý ở địa phương, các sở, ngành, đoàn thể và người dân để thực hiện hiệu quả hơn.

Hội thảo đã nhận được gần 20 ý kiến của các đại biểu. Nhiều giải pháp, đề xuất đã được trao đổi, thảo luận, làm rõ sự cần thiết trong chuyển đổi tư duy nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của mọi người dân và cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp về những tác động của môi trường, ô nhiễm môi trường trong xây dựng nông thôn mới; cải tiến các nội dung, hình thức tuyên truyền về pháp luật bảo vệ môi trường, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo sự phối hợp thường xuyên của các ngành, cấp và cơ sở để bảo vệ môi trường theo quy hoạch và Bộ tiêu chí Quốc gia đã được phê duyệt.

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên ảnh 2Là xã miền núi của huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), xã Hoàng Nông có diện tích tự nhiên hơn 2.700 ha và trên 1.500 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ hơn 30%. Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2020, Hoàng Nông đã triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, phát triển diện tích trồng cây ăn quả lên hơn 50 ha, diện tích trồng chè lên hơn 430 ha, 14/14 xóm hoàn thành xây dựng mới nhà văn hóa – khu thể thao, các thiết chế văn hóa đạt chuẩn, tích cực hiến đất mở rộng đường giao thông trên 6m trở lên, khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Hoàng Nông phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023 và trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025. Trong ảnh: Trường tiểu học xã Hoàng Nông được xây dựng khang trang, kiên cố. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, Thái Nguyên thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được trên 10 năm, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và huyện Phú Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Đại Từ đã đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới, đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để công nhận.

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên ảnh 3Một góc vùng chè an toàn xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế, tốc độ gia tăng về dân số, cùng với tác động của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn khiến thách thức về môi trường càng trở nên hiện hữu và nguy hiểm hơn. Các tác động bất lợi sẽ gia tăng lên một mức độ cao, trầm trọng hơn. Nhiều vấn đề về tài nguyên nước, môi trường trước đây chỉ tiềm ẩn ở dạng nguy cơ, trong tương lai có thể trở thành hiện thực nhanh hơn. Do đó, công tác bảo vệ môi trường, nhất là hoàn thiện theo chuẩn và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới càng khó khăn hơn. Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo sẽ là luận cứ quan trọng để tỉnh Thái Nguyên đưa ra những giải pháp đồng bộ, chất lượng cao và bền vững đối với việc thực hiện tiêu chí môi trường, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm