Bàn giải pháp đẩy mạnh phát triển Võ cổ truyền Việt Nam

Biểu diễn võ cổ truyền tại lễ khai mạc Giải vô địch Võ cổ truyền tỉnh Hậu Giang năm 2023. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
Biểu diễn võ cổ truyền tại lễ khai mạc Giải vô địch Võ cổ truyền tỉnh Hậu Giang năm 2023. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Từ ngày 3 - 4/8, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030.

Bàn giải pháp đẩy mạnh phát triển Võ cổ truyền Việt Nam ảnh 1

Biểu diễn võ cổ truyền tại lễ khai mạc Giải vô địch Võ cổ truyền tỉnh Hậu Giang năm 2023. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại chặng đường đã qua, những kết quả đã đạt được, những tồn tại và những khó khăn, thách thức; từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi, nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Võ cổ truyền Việt Nam thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp ý kiến, trình bày các báo cáo tham luận về nhóm giải pháp phát triển Võ thuật cổ truyền; trong đó, đáng chú ý là giải pháp về chính sách và nhiệm vụ bảo tồn, phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam; giải pháp về tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế; xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào Võ cổ truyền Việt Nam; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và hiệu quả hoạt động của Liên đoàn/Hội Võ cổ truyền Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm tư liệu, Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Vũ Diệu Trung nêu ý kiến: Chúng ta cần lắng nghe, bàn bạc, công khai, dân chủ, tạo tiếng nói chung trong cộng đồng, đi đến sự đồng tình, nhất trí cao về phương pháp, cách làm ở từng địa phương cụ thể. Ngoài nâng cao thể chất và trí tuệ cũng cần đầu tư trọng điểm, chất lượng, tạo nên đội ngũ võ sư đỉnh cao thi đấu quốc tế, làm tấm gương sáng thể hiện ý chí, sự quyết tâm, lòng dũng cảm của con người Việt Nam.

“Võ cổ truyền Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu có một chiến lược hợp lý và đúng đắn. Muốn làm được điều này, cần phải hội tụ đầy đủ cả “4 trụ cột” (xây dựng phong trào, hệ thống giải đấu, tổ chức bộ máy, truyền thông quảng bá - xã hội hóa) từ đó tạo ra “4 chân đế” vững vàng để Võ cổ truyền Việt Nam vươn cao, bay xa”- Võ sư, nhà báo Uông Ngọc Tân đề cập.

Hiện nay, Võ cổ truyền Việt Nam có mặt ở 58 tỉnh/thành; trong đó, có trên 43 tổ chức Hội, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam (Võ thuật) cấp tỉnh/thành, bộ, ngành với trên 60 Chi hội trực thuộc tổ chức Hội. Toàn quốc có trên 700 võ đường, câu lạc bộ với trên 100 môn phái, võ phái và võ đường đang hoạt động thu hút khoảng 80.000 võ sinh tham gia tập luyện; có khoảng 600 Võ sư (cấp 18 và trên cấp 18), hơn 500 Chuẩn Võ sư (cấp 17), 600 trợ giáo trung cấp (cấp 15,16), 1.100 hướng dẫn viên.

Lê Phước Ngọc

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm