Đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng của một hộ chăn nuôi tại Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian gần đây giá thịt lợn tăng cao, doanh nghiệp và người chăn nuôi có lãi là điều đáng mừng. Nhưng điều lo ngại chính là việc nếu giá lợn vẫn ở mức cao và kéo dài thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ thịt lợn ngoại tràn vào, khi đó sẽ mất thị trường. Việc này sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi, và ngành nông nghiệp. Để ổn định thị trường, các doanh nghiệp sản xuất con giống, doanh nghiệp sản xuất lợn thương phẩm cần hạ giá bán thấp hơn so với hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần giảm giá mặt hàng cám; các doanh nghiệp sản xuất phân phối thịt lợn cũng hạ giá thành... "Thời điểm này, giá thành sản xuất giữ ở mức 35.000 đồng/kg và giá bán lợn công nghiệp là 45.000 đồng/kg là tốt nhất. Bên cạnh đó, làm sao để đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng và người sản xuất", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Bộ trưởng cũng lưu ý: "Các doanh nghiệp cần lấy đúng mức lãi, đừng 'tham bát bỏ mâm' để rồi sau này mất thị trường, khi đó còn thiệt hại lớn hơn nhiều".
Đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng của một hộ chăn nuôi tại Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN |
Ông Kiều Minh Lực, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn CP chia sẻ, năm 2017, khi giá lợn xuống thấp nhất, dưới 20.000 đồng/kg, sản lượng thịt lợn CP chỉ bán được 10% so với bình thường, tồn kho rất nhiều. Tại thời điểm giá đang tăng cao như hiện nay, có những lúc CP bán lên 200% so với công suất. Đến nay, con số này đã giảm xuống còn 130%. "Nếu tình hình này còn kéo dài thì cũng rất căng thẳng, bởi trước kia lợn xuất chuồng là 120 kg/con giờ còn 100 kg, và hiện đang tiếp tục giảm về trọng lượng, tuổi lợn, chuồng đang trống nhiều...", ông Lực lo ngại. Theo ông Lực, hiện sản lượng cung cấp thị trường vẫn đang rất căng thẳng. Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể liên kết các doanh nghiệp lớn về việc bình ổn giá thì CP nhất trí ngay. Thực tế, hiện giờ rất khan lợn bán. Ông Phạm Văn Học, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco cũng mong chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối các doanh nghiệp chăn nuôi để hạ giá thịt lợn, ổn định thị trường. Đồng thời, cũng kiến nghị cần có Hiệp hội chăn nuôi lợn. Đồng quan điểm này, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi khác cũng kiến nghị cần thành lập Hiệp hội chăn nuôi lợn.
Thương lái thu mua lợn tại Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN |
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng đề xuất giải pháp cần giảm chi phí lưu thông vì hiện nay, khi giá bán lợn hơi là 50.000 đồng/kg thì giá thịt lợn là 100.000 đồng/kg, chênh lệch quá lớn. Bên cạnh đó, cần phải giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là thức ăn, đồng thời phải liên kết theo chuỗi và có truy xuất nguồn gốc... Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, mục tiêu và nhiệm vụ đối với ngành chăn nuôi lợn là tăng năng suất và hạ giá thành, giá bán sản phẩm thịt lợn trong nước xuống thấp nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, đa dạng hoá sản phẩm và đa dạng hoá thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Theo đó, ngành sẽ tái cơ cấu thật nhanh các nội dung tổ chức chăn nuôi lợn theo các chuỗi liên kết, đứng đầu là các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông hộ theo nhiều hình thức; áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, hiệu quả. Đầu tư hiện đại hoá hoạt động giết mổ, chế biến sâu và đa dạng hoá các sản phẩm thịt lợn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...
Thành Trung