Bản Dạ cổ hoài lang dưới góc nhìn người làm báo

Bản Dạ cổ hoài lang dưới góc nhìn người làm báo
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang nhấn mạnh: Trong những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của bản Dạ cổ hoài lang. Bản Dạ cổ hoài lang đã được bay cao, bay xa, có phần đóng góp của những ngươi làm báo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Thị Sang mong rằng, với sự quan tâm của những người làm báo, trong thời gian tới bản Dạ cổ hoài lang sẽ còn phát huy hơn nữa giá trị vốn có; qua đó giúp cho tỉnh có giải pháp tích cực hơn để bảo tồn và gìn giữ.

Tham dự tọa đàm, các nhà báo đã có nhiều ý kiến hay về bản Dạ cổ hoài lang dưới góc nhìn của những người làm báo. Ông Mai Phúc, Trưởng cơ quan đại diện báo Nhà báo và Công luận phía Nam khẳng định: 100 năm qua, bản Dạ cổ hoài lang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nghệ thuật của người Bạc Liêu nói riêng, các tỉnh Miền Nam nói chung. Bản Dạ cổ hoài lang là một dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa của vùng đất Nam Bộ; là chất xúc tác, cảm hứng cho những người người làm báo.

Nhà báo Cẩm Thúy, báo Bạc Liêu cho rằng: Bản Dạ cổ hoài lang là một nguồn lực vàng khi tỉnh đang tận dụng những giá trị văn hóa đặc sắc vốn có để đẩy mạnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình đưa bản Dạ cổ hoài lang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc thì cần cần xây dựng một câu chuyện kể thật hấp hẫn, thấm đẫm nhân văn về Dạ cổ hoài lang.
 
Dưới góc nhìn của một nhà báo về bản Dạ cổ hoài lang, nhà báo Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau đã đề cập đến việc giữ gìn và bảo tồn bản Dạ cổ hoài lang. Ông cho rằng: Muốn hiểu nhạc sĩ Cao Văn Lầu không cách nào khác là phải tìm đến Dạ cổ hoài lang, ngược lại muốn hiểu hết bản Dạ cổ hoài lang phải biết rõ về nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản trẻ Thành phố Hồ Chí khẳng định: Dạ cổ hoài lang một bản tình ca bất hủ. Những người làm báo có trách nhiệm góp phần làm cho bản Dạ cổ hoài lang không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại mới, thời đại của công nghệ số, Facebook, Youtube.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang mong muốn, qua tọa đàm này, Bạc Liêu có thể đưa ra được những phương thức, biện pháp hành động hợp lý đối với bản Dạ cổ hoài lang, nhằm phát huy tối đa giá trị và tạo sự lan tỏa của nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Phương Nam này đối với bạn bè trong nước và quốc tế.

*Tối 19/11, tại Nhà hát Cao Văn Lầu, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Sở Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận tổ chức Chương trình Giao lưu, biểu diễn nghệ thuật tôn vinh giá trị Bản Dạ cổ hoài lang và kết nối giai điệu từ những ca khúc của Nhà báo – Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Tại chương trình, các đại biểu và công chúng mộ điệu được thưởng thức những tác phẩm đã đi vào lòng người, còn mãi với thời gian như: Dạ cổ hoài lang (Đạo diễn Ngô Quốc Khánh); Trở lại Bạc Liêu; Thu – hát cho người; Điệu buồn phương Nam – Chiều mơ; Khúc Nam Xuân trên đồng bằng; Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang; Nhớ Quảng Nam – Tam Kỳ tươi đẹp; Hát trên đồi xưa; Trăng miền hạ (Vũ Đức Sao Biển) do các nghệ sĩ, nghệ nhân Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu thể hiện./.
Huỳnh Sử - Nhật Bình
TTXVN

Có thể bạn quan tâm