Bạc Liêu tăng cường nâng cao kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức

Bạc Liêu tăng cường nâng cao kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức
Theo đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ đào tạo, bồi dưỡng 4 nhóm đối tượng, tập trung vào hai nhóm đối tượng chính. Trong đó, nhóm 3 gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn cấp huyện; Trưởng, Phó ban ngành trực thuộc Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn (cấp xã); Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú, trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở, Tiểu học ở địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhóm 4 gồm: Công chức, viên chức trực tiếp tham mưu, theo dõi về công tác dân tộc ở cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; bí thư chi bộ, trưởng khóm, ấp ở địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhóm 1 gồm: Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhóm 2 là Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và tương đương; Trưởng, Phó ban ngành trực thuộc Tỉnh ủy; Trưởng, Phó ban ngành trực thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện); Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy. Hai nhóm này sẽ do các cơ quan Trung ương phụ trách.

Năm 2020, tỉnh phấn đấu tối thiểu 50% (năm 2025, tối thiểu 80%) cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3 và 4 trên địa bàn tỉnh được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc; tối thiểu 20% (năm 2025, tối thiểu 80%) cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, 4 của cấp huyện, cấp xã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Như vậy, đến năm 2025, nhóm đối tượng 3, 4 với gần 1.100 người sẽ được tổ chức bồi dưỡng 10 lớp ở hai hình thức là kiến thức dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số. Riêng giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh tổ chức ba lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc và một lớp tiếng dân tộc thiểu số.

Nội dung tập huấn, bồi dưỡng gồm: Tổng quan về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; Công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số; Pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; Công tác quốc phòng - an ninh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số vững mạnh; Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc…

Cũng theo Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trần Hoàng Duyên, việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc nói riêng; kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhật Bình
TTXVN

Có thể bạn quan tâm