Xác định chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành 9 nghị quyết, quyết định, chỉ thỉ để chỉ đạo định hướng, thực hiện công tác giảm nghèo trên toàn tỉnh. Tiêu biểu, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm; góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam khẳng định: Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy; sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến cuối năm 2019, hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,38% và không có gia đình người có công thuộc hộ nghèo. Bình quân hàng năm, hộ nghèo giảm tương đương 3%; chỉ tiêu giảm nghèo về đích trước 1 năm. Kết quả giảm nghèo của địa phương góp phần cùng cả nước thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo trong giai đọan 2016-2020.
Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu, các huyện, thị xã, thành phố kịp thời cụ thể hóa chủ trương thành chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế để triển khai thực hiện hiệu quả.
Theo đó, chỉ tính riêng trong năm 2016, qua kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo tiêu chí tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020), toàn tỉnh có gần 30.860 hộ nghèo, trong đó gần 5.300 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 17,12% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Trong 10 tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, 2 tiêu chí về nhà ở và hố xí hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, khoảng 26.000 hộ thiếu hụt về nhà ở, chiếm 84,39%.
Như vậy, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh Bạc Liêu giảm tương đương 3%/năm, vượt mục tiêu đề ra. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 1%, giảm khoảng 0,69% – 0,93% so với đầu năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có 43/49 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến cuối năm 2020 tất cả các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định, kết quả giảm nghèo trên địa bàn chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều; tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các chính sách giảm nghèo đã được Trung ương tích hợp nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống. Ngoài ra, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa đi vào chiều sâu. Trên địa bàn vẫn còn tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh; một bộ phận hộ nghèo chưa chí thú làm ăn, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng; ý chí và quyết tâm vươn lên thoát nghèo của một số người dân còn thấp…
Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo
Để làm tốt công tác giảm nghèo trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với đoàn thể các cấp; đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, đặc biệt hệ thống chính trị cơ sở đối với công tác giảm nghèo.
Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân để thay đổi, chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước; tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo.
Tỉnh tập trung triển khai các chính sách giảm nghèo, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, hố xí hợp vệ sinh...) để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Tỉnh chú trọng hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, các chương trình dự án để phát triển sản xuất; hướng dẫn hộ nghèo có kế hoạch sử dụng vốn vay hiệu quả.
Cũng theo ông Vương Phương Nam, tỉnh Bạc Liêu sớm triển khai Dự án Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung nguồn lực tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện nghèo, ấp, xã đặc biệt khó khăn; duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng các hình thức sinh kế; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu chú trọng công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề như: Tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn, nhất là lao động thuộc diện nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số; các chương trình đào tạo nghề gắn với hoạt động vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, tạo việc làm. Các địa phương vận động, thuyết phục lao động trong hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia học nghề; tập trung giải quyết việc làm tại các xã nghèo; tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động thông qua hội thảo việc làm, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng.
Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu thường xuyên thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá kết quả thực hiện chính sách, dự án, giải pháp giảm nghèo ở cơ sở để có giải pháp điều chỉnh, bổ sung hạn chế, bất cập, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Nhật Bình