Mặc dù tình hình COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Bạc Liêu luôn triển khai có hiệu quả đầy đủ các chính sách đầu tư, hỗ trợ, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội dành cho đồng bào dân tộc.
Nỗ lực giảm nghèo
Theo ông Trịnh Thanh Phong, Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã, đang huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer. Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương đã từng bước mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Khmer Đặc biệt, nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo vùng có đông người Khmer tại địa phương.
Tỉnh cấp miễn phí 174.400 thẻ bảo hiểm y tế, hơn 48 nghìn ấn phẩm báo, tạp chí; hỗ trợ hơn 353 triệu đồng thực hiện các chính sách cho người có uy tín; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các lễ hội, đăng ký, công nhận các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự, xây dựng mới, sửa chữa các cơ sở tôn giáo, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục...
Đặc biệt, tỉnh tặng quà, hỗ trợ 430 hộ nghèo người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; hỗ trợ 22 người Chăm của tỉnh An Giang bị kẹt lại tỉnh Bạc Liêu và hỗ trợ xây dựng 8 Nhà tình thương cho hộ nghèo trên địa bàn…
Là xã có đông người Khmer của tỉnh, với 1.942 hộ (chiếm hơn 65% dân số toàn xã), Hưng Hội rất quan tâm chăm lo đời sống người dân, nhất là những hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thông qua hỗ trợ nhà tình thương, vốn vay, cây, con giống sản xuất... Đặc biệt, các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc đã giúp xây dựng nhiều công trình cầu, đường ở địa phương, giúp cất nhà, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, thẻ bảo hiểm y tế..., góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người Khmer.
Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội, huyện Vinh Lợi Mã Mỹ Ngọc cho biết năm 2022, sau khi rà soát, phân loại từng tiêu chí thiếu hụt, toàn xã có 220 hộ nghèo, trong đó có 166 hộ nghèo người Khmer. Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả trong giai đoạn này, xã sâu sát từ việc khảo sát, linh hoạt lựa chọn hình thức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo các tiêu chí thiếu hụt; đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện và sự góp sức của các mạnh thường quân để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả nhất.
Thành phố Bạc Liêu hiện có hơn 42.400 hộ dân, trong đó dân tộc Khmer là 4.323 hộ, chiếm 11,9%, sống tập trung chủ yếu ở 3 xã Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành, Vĩnh Trạch và ở Phường 8. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Bạc Liêu luôn ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống người Khmer như: Đỡ đầu hộ nghèo, cận nghèo, tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ gặp khó khăn về nhà ở; hỗ trợ học tập, y tế; đào tạo nghề, tìm việc làm; hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo; cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất... Ngoài ra, các phong trào học tập nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc; chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường... cũng luôn được thành phố quan tâm, thực hiện tốt, gìn giữ và phát huy.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dành cho đồng bào dân tộc nên đời sống người Khmer địa bàn thành phố Bạc Liêu được nâng lên rõ nét. Tính đến cuối năm 2021, thành phố không còn hộ nghèo theo tiêu chí, chỉ còn 56 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, trong đó có 15 hộ dân tộc Khmer.
Nâng cao đời sống văn hóa
Xây dựng đời sống văn hóa là phong trào được Bạc Liêu quán triệt, quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Theo đó, người Khmer từ chỗ được vận động đã trở thành chủ thể tự nguyện, sát cánh với chính quyền địa phương đưa phong trào đi vào thực chất.
Xã Vĩnh Trạch thành phố Bạc Liêu luôn hướng dẫn, động viên người dân tộc thực hiện các phong trào do địa phương phát động. Trong xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư, xã không tuyên truyền những quy định chung chung mà hướng dẫn bà con thực hiện những phần việc cụ thể như: Ông bà, cha mẹ phải mẫu mực để con cháu noi theo; yêu thương, giúp đỡ hàng xóm thoát nghèo; trồng cây xanh, hoa kiểng, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp; không vứt rác bừa bãi xuống kênh rạch…
Tại những ấp có đông người Khmer như Công Điền, Giáp Nước, Kim Cấu…, UBND xã phát huy tiếng nói của trụ trì chùa, những người có uy tín, các tổ dòng tộc họ Thạch, Sơn để tạo thêm sự đồng thuận của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, thời gian gần đây, dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng cán bộ xã, các tổ dòng tộc tiếp tục vận động người dân hạn chế tụ tập đông người vào các dịp lễ của chùa, khi tham gia phải tuân thủ “5K”, loại bỏ những hủ tục không phù hợp.
Đến ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch hỏi thăm nhà bà Thạch Thị Kim Phải – gia đình văn hóa tiêu biểu, hầu như ai cũng biết. Gia đình bà Phải được xóm giềng quý mến, ngưỡng mộ vì chí thú lao động, sản xuất, dạy dỗ con, cháu để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no và tiến bộ. Trong nhà, bà Phải là người mẹ mẫu mực; với xóm làng, bà luôn nhiệt tình giúp đỡ hàng xóm, nhất là trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Với uy tín của mình, bà Phải đã giúp giải quyết nhiều mâu thuẫn, tranh chấp của người Khmer trong ấp.
Ông Danh Sua, xã Vĩnh Trạch Đông cũng là một gương điển hình trong việc tập hợp, đoàn kết đồng bào Khmer xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Khi chính quyền địa phương gặp khó trong việc xây dựng Nhà Văn hóa - Thể thao ấp, ông Sua đứng ra vận động sức người, sức của xây dựng công trình làm nơi sinh hoạt văn hóa cho người dân. Ngoài ra, ông Sua còn thường xuyên kêu gọi người Khmer giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Triệu Minh Tứ cho biết: Cùng với các tiêu chí khác, xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là ở những ấp có đông đồng bào Khmer được xã hết sức quan tâm để tạo nền tảng tinh thần đưa Vĩnh Trạch “về đích” nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh việc lựa chọn hình thức tuyên truyền hiệu quả, xã sẽ củng cố hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, thể dục - thể thao để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân tộc.
Bên cạnh Vĩnh Trạch, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân còn chú trọng nâng cao đời sống tinh thần của người Khmer bằng việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa các ấp. Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, sắp tới xã sẽ phục hồi lại các cuộc sinh hoạt văn hóa-văn nghệ tại Nhà Văn hóa-Thể thao ấp; xem xét tổ chức giải đua ghe Ngo, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian của đồng bào Khmer vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ những chính sách, công trình, phần việc có hiệu quả, thiết thực, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc được nâng cao; người dân tộc, người có đạo luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chấp hành các quy định của pháp luật góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy khẳng định trong thời gian tới, nhằm chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào Khmer, tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới nghiêm túc, hiệu quả.
UBND tỉnh đề nghị Ban Dân tộc và Tôn giáo rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, chính sách mới; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để nhân dân hiểu, hiểu đúng về các chính sách pháp luật.
Cùng với đó, Ban Dân tộc và Tôn giáo tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tôn giáo; cập nhật các văn bản, quy định mới có liên quan đến ngành, lĩnh vực để cán bộ cấp cơ sở nâng cao trình độ, nắm vững kiến thức…
Nhật Bình