Được sáng lập năm 2006 và đưa vào hoạt động một năm sau đó bởi cựu tin tặc người Australia Julian Assange (Giu-li-an Át-xan-giơ), trang mạng WikiLeaks bắt đầu tiết lộ các bí mật như hoạt động tại nhà tù của Mỹ ở Vịnh Guantanamo (Goan-ta-na-mô) và nội dung các thư điện tử cá nhân của chính trị gia người Mỹ Sarah Palin (Xa-ra Pa-lin). Tháng 4/2010, đoạn băng quay cảnh một trực thăng Mỹ tấn công ở Baghdad làm hai nhân viên của hãng tin Reuters và một số người khác thiệt mạng đã đưa WikiLeaks trở lại các bản tin. Mùa Hè năm đó, WikiLeaks đã công bố hàng chục nghìn tài liệu quân sự nội bộ Mỹ liên quan đến các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, miêu tả chi tiết các vụ tra tấn và giết hại người dân.
Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama": Công ty Mossack Fonseca tuyên bố bị tin tặc tấn công Ngày 5/4, Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama đã gửi đơn khiếu nại lên các công tố viên nước này khi cho rằng các tin tặc nước ngoài đã tấn công và đánh cắp các tài liệu trong "Hồ sơ Panama" - vụ việc tai tiếng đang gây chấn động thế giới hiện nay. Trong ảnh: Trụ sở công ty luật Mossack Fonseca tại Panama City ngày 4/4. AFP/TTXVN |
Binh sĩ Mỹ Bradley Manning (Brát-lây Men-ninh) đã bị bắt giữ sau khi được xác định là người cung cấp thông tin này và đang phải chịu án 35 tù giam vì vi phạm Đạo luật Tình báo. Tháng 11/2010, WikiLeaks công bố 250.000 bức điện ngoại giao từ các đại sứ quán của Mỹ trên khắp thế giới. Cùng thời điểm đó, một công tố viên người Thụy Điển đã phát lệnh truy nã quốc tế Assange với các cáo buộc liên quan vấn đề tình dục. Sau khi tính toán, Assange đã tới xin tị nạn chính trị tại Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 19/6/2012 và hiện vẫn trú ẩn tại đó.
Về vụ Snowden và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Edward Snowden (Ét-uốt Xnâu-đơn), một nhà thầu có quyền tiếp cận các thông tin mật của NSA, đã liên hệ với tờ “The Guardian” (Anh) và sau đó vào tháng 6/2013 đã tiết lộ vụ một tòa án bí mật của Mỹ từng ra lệnh buộc công ty viễn thông Mỹ Verizon phải cung cấp thông tin cuộc gọi của các khách hàng cho NSA trong thời gian 4 tháng.
Ngày 6/6/2013, tờ “Washington Post” và tờ “The Guardian” đưa tin NSA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiếp cận máy chủ của các tập đoàn khổng lồ như Microsoft, Yahoo!, Google và Facebook để theo dõi thông tin truy cập của người dân bên ngoài nước Mỹ. Các công ty viễn thông Trung Quốc cũng được cho là đã bị tin tặc tấn công. Chính quyền Mỹ đã kết tội Snowden, cũng như tìm cách bắt giữ tại Hong Kong người thừa nhận tiết lộ tin mật này vì tội làm gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia. Tuy nhiên, Snowden đã trốn thoát và bay tới Moskva. Hiện Snowden vẫn đang ẩn náu tại Nga.
Các tiết lộ liên quan đến NSA đã gây rúng động thế giới, làm căng thẳng quan hệ của Mỹ với các đồng minh bởi thông tin rò rỉ cho thấy Washington đã lén theo dõi Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken), Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (Đin-ma Râu-sép), Chính phủ Mexico cũng như nhiều quốc gia khác. Sau vụ việc này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết làm cho hoạt động của NSA minh bạch hơn và Quốc hội Mỹ đã cải cách các dự luật liên quan việc theo dõi các cá nhân trên mạng.
Vụ việc nóng nhất đang ngập tràn trang nhất của nhiều tờ báo trên toàn thế giới là “Hồ sơ Panama” - khoảng 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca được một nguồn giấu tên cung cấp cho báo "Sueddeutsche Zeitung" (Nam Đức, SZ) của Đức khoảng 1 năm trước. SZ sau đó đã chia sẻ thông tin với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và một số tập đoàn thông tin khác như BBC và "the Guardian" để huy động các báo cùng điều tra hồ sơ có quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay này, bao gồm những tiết lộ về số tài sản được cất giữ ở các “thiên đường” thuế của 140 nhà lãnh đạo cấp cao và các nhân vật nổi tiếng.
ICIJ đã công khai thông tin về hàng nghìn cá nhân sở hữu các tài khoản ở nước ngoài nhằm mục đích trốn thuế, các thỏa thuận của Luxembourg giúp các công ty đa quốc gia trốn thuế và kế hoạch giúp các khách hàng của chi nhánh ngân hàng HSBC ở Thụy Sĩ trốn thuế với tổng số tiền trong tài khoản lên tới 119 tỷ USD.
ICIJ có trụ sở tại Washington và được điều hành bởi nhà báo người Australia Gerard Ryle (Giê-rát Ry-lê), tập hợp hơn 190 nhà báo từ hơn 65 quốc gia. ICIJ đã tiến hành điều tra các vụ tham nhũng xuyên biên giới, các vụ phạm tội có tổ chức và trốn thuế, bên cạnh nhiều vụ việc khác./.