Bà Rịa-Vũng Tàu đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Tính đến nay, tiến độ giải ngân thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đảm bảo theo kế hoạch đề ra, tỷ lệ giải ngân các chương trình này đều đạt và vượt kế hoạch.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_dam_bao_tien_do_giai_ngan_nguon_von_cac_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia__________7615592.jpg
Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh nhiều nơi đã có nước sạch để sử dụng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Bà Trần Thụy Cẩm Lệ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh gần 2.370 tỷ đồng; trong đó, chương trình xây dựng nông thôn mới gần 2.080 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đến nay đạt 59,39% kế hoạch vốn; tỷ lệ giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, đạt 63,76%. Riêng chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã giải ngân toàn bộ vốn.

Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được triển khai nhân rộng, tạo việc làm và mang lại thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Các chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội cũng được tham mưu thực hiện đầy đủ và kịp thời. Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được nâng cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 47/47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 37/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 7/8 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với hồ sơ đề nghị công nhận huyện Côn Đảo đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 đã được Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức khảo sát thực tế, tổ chức họp thẩm định trực tuyến trong tháng 8/2024.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tính đến giữa tháng 9/2024, tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh là 1.138 hộ chiếm tỷ lệ 0,35% so với tổng số hộ dân. Tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương. Tỉnh đã thực hiện xét duyệt và giải quyết cho 338 hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền 16.683 tỷ đồng; Cấp 15.924 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền 12.810 tỷ đồng; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 3.222 học sinh con hộ nghèo và hộ thoát nghèo với tổng số tiền 2,536 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 1.138 hộ nghèo với số tiền 604 triệu đồng; Thực hiện trợ cấp Tết là 13.923 lượt hộ nghèo và hộ thoát nghèo với số tiền 11.06 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện và nguồn vận động. Đã thực hiện xây dựng 31 căn nhà Đại đoàn kết; sửa chữa 62 căn nhà cho hộ nghèo với số tiền 3,5 tỷ đồng.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã đầu tư 13 công trình đường giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chiều dài hơn 36 km với nguồn vốn hơn 104 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9/2024 đã giải ngân gần 70 tỷ đồng, đạt tỷ lệ khoảng hơn 66%.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_dam_bao_tien_do_giai_ngan_nguon_von_cac_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia__________7615587.jpg
Hệ thống điện lưới quốc gia, đường giao thông tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư đầy đủ và khang trang. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.

Từ nguồn vốn này tỉnh đã xây mới nhà ở 82 căn nhà với số tiền hơn 4,9 tỷ đồng, sửa chữa nhà ở 82 căn với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng và xây dựng 112 nhà tiêu với số tiền gần 1,7 tỷ đồng (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch). Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ điện sinh hoạt cho 57/63 hộ với kinh phí 570 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt, hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa… cho đồng bào và con em đồng bào dân tộc thiểu số….

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ cao, nhưng vẫn còn một số khó khăn. Đó là việc hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết do các hộ nghèo không có đất, hoặc đất không đủ điều kiện xây dựng; công tác rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số của một số địa phương chưa sát thực tế.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn trở ngại do mức hỗ trợ học nghề thấp, tỷ lệ lao động thuộc đồng bào dân tộc không có việc làm cao...

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề ra mục tiêu, phương hướng thực hiện 3 tháng cuối năm 2024 đối với các chương trình mục tiêu quốc gia Sở sẽ đôn đốc, kiểm tra, theo dõi các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu để đảm bảo triển khai đúng tiến độ đề ra. Cùng với đó, tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các thực hiện các chương trình mục tiêu….

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm