Anh Thắng làm kinh tế giỏi

Anh Thắng làm kinh tế giỏi
Anh Thắng chăm sóc đàn ong.
Anh Thắng chăm sóc đàn ong.
Do địa hình xã Ngũ Lão không thuận lợi, khó khăn về nguồn nước tưới tiêu nên năng suất cây trồng thấp, cuộc sống gia đình anh Thắng nhiều năm trước rất khó khăn. Năm 1998, anh Thắng bỏ dở việc học tập để ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học. Với quyết tâm thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, anh Thắng không ngừng tìm tòi, học hỏi để tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. 

Tận dụng lợi thế có đất rừng khá rộng, năm 2007, anh Thắng đã cải tạo rừng để trồng cây ăn quả. Anh Thắng tâm sự: Ban đầu tôi chỉ chiết cành trồng thử nghiệm vài chục cây quýt địa phương, nhưng không có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, hay bị chết vì sâu, bệnh. Không nản chí, tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời tham quan học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây từ những mô hình đã thành công ở địa phương khác về áp dụng. Đến nay, vườn quýt của gia đình đã có trên 250 cây cho thu hoạch. Khi vườn quýt đã cho thu hoạch, tôi đầu tư nuôi 40 tổ ong lấy mật. Ngoài ra, mỗi năm tôi nuôi thêm hàng chục con lợn thịt và 10 con trâu, vừa tăng thêm thu nhập vừa tạo nguồn phân bón tại chỗ cho cây. Năm 2012, tôi tiếp tục cải tạo gần 2 ha đất rừng trồng nhãn, quýt, chanh. Đến nay, vườn chanh đã bắt đầu cho thu hoạch trên 200 kg quả. Mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt hiện cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thắng luôn sẵn sàng giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm, cung cấp giống và vận động các đoàn viên thanh niên cũng như người dân trong xóm mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên, anh Long Văn Thắng xứng đáng là tấm gương trẻ năng động, sáng tạo, biết vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm