Anh Bộ chăm sóc đàn gà 3000 con. Ảnh: Nguyễn Nam – TTXVN |
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, học hết Trung học Cơ sở, Bộ phải bỏ học để vào miền Nam đi làm để có tiền nuôi hai em ăn học. Năm 2010, anh Bộ quay lại học tiếp Trung học Phổ thông, sau đó anh thi đậu Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, anh không xin được việc đúng chuyên nghành.
Năm 2017, anh quyết định về quê lập nghiệp. Không có vốn, anh phải vay mượn người thân và dùng số tiền 10 triệu được Huyện Đoàn Như Thanh hỗ trợ để xây dựng mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Để thực hiện mô hình, anh đã xây khu nuôi gà trên diện tích 300 m2, xung quanh được bao bằng thép lưới; chuồng nuôi gà thoáng mát, khép kín, trong đó ánh sáng và độ ẩm được thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà con.
Mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Quách Văn Bộ. Ảnh: Nguyễn Nam – TTXVN |
Để có nguồn thức ăn chất lượng, anh đã thuê 1,5 ha đất của xã trồng ngô; trong đó, hạt ngô được làm thức ăn cho gà, còn lá và thân cây ngô dùng làm thức ăn cho cá. Sau khi xây dựng chuồng trại và có được nguồn thức ăn cho gà, anh Bộ đã nhập 2.000 con gà giống chất lượng tốt, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền về nuôi.
Trong quá trình nuôi gà, anh Bộ luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh, theo dõi và ghi chép lại quá trình sinh trưởng của gà. Nhờ sự cố gắng trong chăn nuôi, lứa gà đầu tiên nuôi trong 5 tháng đều phát triển tốt, sau khi bán ra thị trường, anh đã thu về 200 triệu tiền lãi.
Đến năm 2018, sau khi lứa gà đầu tiên sản xuất thành công, anh Bộ quyết định vay thêm vốn của người thân, bạn bè và ngân hàng để mở rộng trang trại, mua thêm máy móc phục vụ sản xuất. Đồng thời, cải tạo diện tích ao 0,5 ha và thêm 2 vạn cá giống, trồng 5 ha rừng, nuôi nấm trong nhà lưới.
Anh Quách Văn Bộ kiểm tra tốc độ sinh trưởng của gà. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Bằng sự kiên trì, chịu khó, mô hình chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của anh đã mang lại hiệu quả cao, trung bình một ngày gà đẻ 500 trứng, mỗi năm trang trại anh xuất bán 12.000 gà con. Sản phẩm của cơ sở nhà anh Bộ được các cửa hàng, siêu thị trong tỉnh và ngoài Hà Nội nhập về bán. Mặc dù cơ sở chăn nuôi đã ổn định, anh Bộ vẫn tiếp tục đi những cơ sở chăn nuôi khác tham quan, học tập các mô hình sản xuất thực phẩm sạch mới để về áp dụng tại cơ sở mình. Hiện anh Bộ đang đầu tư, xây thêm hệ thống nhà lưới, lắp đặt theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 200 m2 để trồng nấm Linh Chi, Mỡ, Sò Yến.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Bộ còn là một Bí thư Chi đoàn năng động, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đi đầu trong mọi hoạt động tại cơ sở. Bên cạnh đó, anh luôn giúp đỡ thanh niên trong xã về kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế; đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch để các thanh niên có thêm ý chí vươn lên thoát nghèo.
Anh Bùi Văn Lãm, Bí thư Đoàn xã Mậu Lâm cho biết: Anh Bộ là thanh niên tiêu biểu và là gương sáng cho thanh niên các xã vùng cao dám nghĩ, dám làm. Anh luôn tham gia các hoạt động tình nguyện, hiến máu nhân đạo, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo. Tại các hội nghị, cuộc họp của Đoàn xã, anh luôn nêu các mô hình phát triển kinh tế mới có hiệu quả cao để cùng trao đổi, tìm các giải pháp thực hiện.
Nhờ có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế và công tác Đoàn, anh Bộ đã nhận được Bằng khen của các cấp Đoàn. Đặc biệt, vào tháng 11/2018, anh Bộ đã đại diện cho hàng nghìn thanh niên Thanh Hóa nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 13 do Trung ương Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh trao tặng.
Nguyễn Nam