Anh Điểu Bưng,người dân tộc S’tiêng ở thôn 6, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, làm giàu từ ruộng vườn. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn |
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, anh Điểu Bưng không ở lại thành phố mà quyết định về trở về vùng quê nghèo. Với sự năng động, sáng tạo và tinh thần ham học hỏi, anh đã có những bước đi táo bạo là trồng các loại cây công nghiệp có giá trị như: Điều, cao su, cà phê, sầu riêng trên hàng chục ha đất, cho thu nhập trung bình mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Anh Điểu Bưng chia sẻ "Trong quá trình sản xuất tôi cố gắng học hỏi các kiến thức khoa học kỹ thuật, trồng nhiều loại cây cho thu nhập ổn định. Phần lợi nhuận mỗi năm thu được tôi và gia đình chỉ tiêu xài một phần, một phần cất giữ và chăm lo cho con ăn học, tái đầu tư sản xuất”.
Trong quá trình sản xuất, nhờ tích cực tham gia các buổi hội thảo về chăm sóc cây trồng ở địa phương, anh Điểu Bưng đã áp dụng các kỹ thuật phù hợp để cây trồng phát triển tốt và cho năng suất cao. Điển hình như vườn cây điều, sau khi thu hoạch gia đình anh tiến hành tạo cành, tỉa tán cho cây thông thoáng, tránh sâu bệnh. Những lúc thời tiết bất thường, anh thường xuyên thăm vườn để khi phát hiện sâu, bệnh, kịp thời có biện pháp phòng tránh. Ngoài ra, những kinh nghiệm từ sách, báo, bạn bè, mạng đã giúp anh khá nhiều trong phát triển vườn cây của gia đình.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2015, sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi chim yến từ những người bạn ở miền Tây, anh Bưng đã đầu tư 150 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tự động hóa gồm: Âm thanh, hệ thống phun sương, camera giám sát... Đến nay, mỗi tháng anh Điểu Bưng thu được trên dưới 20 triệu đồng từ bán tổ yến.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Điểu Bưng còn là điển hình về xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ăn học. Còn đối với hàng xóm anh luôn hết lòng thương yêu, nhất là những người có hoàn cảnh nghèo khó. Anh tâm sự: Tôi rất quan tâm đến hộ nghèo, mong muốn họ cũng có cuộc sống ổn định như mình, có những trường hợp khó khăn quá anh cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh mà không lấy lãi hoặc có trường hợp anh tặng luôn cả vốn và lãi. Với những trường hợp từ các miền quê xa đến tìm việc anh quan tâm tạo việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống.
Gia đình bà Thạch Thị Rộ, dân tộc Khmer quê ở tỉnh Trà Vinh là một trong những hộ nghèo đã được anh Điểu Bưng hỗ trợ rất nhiều. Năm 2012, bà rời quê lên thôn 6 xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lập nghiệp nhưng không có vốn, không có đất sản xuất, không có nhà cửa. Nhờ sự giúp đỡ của người dân trong thôn, chính quyền, đoàn thể ở huyện và đặc biệt là gia đình anh Điểu Bưng, gia đình bà đã bớt khó khăn.
Ngôi nhà Đại đoàn kết mà huyện Bù Đăng vừa bàn giao năm 2018, có đóng góp của anh Điểu Bưng, bà Thạch Thị Rộ cho biết. Đến đây lập nghiệp, gia đình bà có được cuộc sống ổn định là do sự hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể, anh Điểu Bưng cũng hỗ trợ 8 triệu đồng. Không phải một mình trường hợp bà Thạch Thị Rộ, nhiều người nghèo khác trong thôn cũng được anh Điểu Bưng giúp đỡ.
Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Nguyễn Thái Hà đánh giá, anh Điểu Bưng không chỉ biết cách làm giàu, mà còn giúp đỡ rất nhiều hộ nghèo trong thôn về vật chất lẫn tinh thần. Anh cho nhiều hộ nghèo vay vốn không tính lãi, những trường hợp quá khó khăn anh hỗ trợ mà không cần trả lại. Anh còn chia sẻ cách làm ăn cho nhiều người khác để cùng phát triển kinh tế bền vững. Anh Điểu Bưng đã được vinh danh là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền ở địa phương.
K GỬIH