Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, với tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn bất thường như hiện nay, dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở đất bờ sông ở các tuyến sông lớn và cả ở các tuyến kênh, rạch nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh là rất cao, nhất là các đoạn sông, kênh, rạch cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm; do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (thứ 2 phải sang) và đoàn công tác của tỉnh An giang khảo sát tại công trình kè chống sạt lở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Ảnh: Công Mạo-TTXVN |
“Việc di dời, ổn định dân cư vùng sạt lở hiện nay nhu cầu rất lớn, do đó, các địa phương phải nhanh chóng có phương án sắp xếp dân cư, ổn định cuộc sống người dân khu vực sạt lở theo từng cấp độ, trong đó chú ý các hộ hiện chưa có chỗ ở ổn định để phân kỳ thực hiện; đối với trường hợp cấp bách, UBND tỉnh An Giang cho chủ trương bố trí dân cư vào các cụm tuyến dân cư có sẵn hoặc sử dụng quỹ đất công của địa phương để bố trí dân vào ở, giúp người dân có chỗ ở ổn định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở; tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm làm cơ sở cho các địa phương tiến hành thống kê hộ dân và lập quy hoạch dân cư, giao thông và xây dựng kế hoạch di dời ra khỏi khu vực sạt lở; tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở (ngoài khu vực xã Châu Phong đã triển khai), chú ý phối hợp với UBND cấp huyện chấn chỉnh và siết chặt, xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép. Các điểm thường xuyên có tình trạng khai thác cát trái phép thì đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo huyện, xã lập các chốt kiểm soát để ngăn chặn. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với sở Khoa học và Công nghệ triển khai, thực hiện “Nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở sớm từ xa và tự động ở An Giang”.
Đoàn công tác khảo sát điểm sạt lở Quốc lộ 91 tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Ảnh: Công Mạo-TTXVN |
Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về phương tiện và hoạt động giao thông thủy, bộ, phân luồng giao thông thủy, bộ hợp lý để hạn chế tác động gây ra sạt lở bờ sông ở một số địa điểm có nguy cơ sạt lở và phục vụ cho địa phương lập quy hoạch dân cư, giao thông. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tranh thủ vốn Trung ương để đầu tư các cụm tuyến dân cư, tuyến kè trọng điểm cho các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Sở Xây dựng tham mưu chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hỗ trợ địa phương xây dựng tiêu chí và quy chế quản lý xây dựng, thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở trên sông, kênh, rạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 31/UBND-ĐTXD ngày 11/01/2016. Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương rà soát, nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời dân cư vùng sạt lở. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đặc biệt, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đề xuất giải pháp quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng trên khu vực bờ sông, kênh, rạch và khu vực cảnh báo sạt lở; Không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép; bám sát các dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn để thường xuyên tăng cường theo dõi, tuyên truyền, cảnh báo người dân; thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực đoạn cua cong; cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình trong khu vực cảnh báo sạt lở.
Khu vực sạt lở dọc theo kênh Xáng Tân An, thuộc xã Tân An, thị xã Tân Châu. Ảnh: Công Mạo-TTXVN |
Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, các địa phương cần chủ động áp dụng các giải pháp ngăn ngừa hạn chế sạt lở như: giảm tải trọng đường bờ (cấm hoặc giảm tải phương tiện giao thông, tháo dỡ nhà hoặc kho bãi có tải trọng lớn ven bờ…), thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng... Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cùng đoàn công tác của tỉnh An Giang đã trực tiếp đi kiểm tra các đoạn sông được cảnh báo sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm gồm: đoạn Sông Tiền chảy qua xã Phú An, huyện Phú Tân; đoạn Sông Hậu chảy qua xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; đoạn Sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú; đoạn Sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới… để đưa ra các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài, nhằm sớm ổn định đời sống người dân ở khu vực sạt lở. Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, năm 2019, tỉnh An Giang đã xảy ra 46 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 3.470 m, ảnh hưởng đến 146 căn nhà phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn (trong đó có 4 nhà sụt hoàn toàn và 1 căn bị sụt một phần xuống sông). Ước thiệt hại về đất khoảng 32,68 tỷ đồng. Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang trong đợt 1 năm 2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, các đoạn bờ sông cảnh báo có hệ số ổn định mái dốc dao động từ 0,63 - 1,24 (hệ số càng lớn thì bờ càng ổn định). Tổng số các đoạn sông cảnh báo là 52 đoạn, với tổng chiều dài 169.330 m (trong đó có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm; 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ bình thường); ảnh hưởng tới 20.000 hộ dân; trong đó, có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khấn cấp ra khỏi khu vực sạt lở, gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Công Mạo