Phát động phong trào “Toàn dân chung sức phòng, chống dịch COVID-19”, tỉnh An Giang đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, phát huy tốt vai trò của các chức sắc tôn giáo, dân tộc, người có uy tín trong cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Điều này, không những góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, mà còn khẳng định rõ hơn tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trước những nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
Những ngày qua, Đại đức Chau Sóc Chanh, Trụ trì chùa Nam Quy Dưới, xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn) và Ban nhân dân ấp Phnom pi, xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi, động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con đi làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên không thể về quê được. Tại các gia đình, Đại đức Chau Sóc Chanh đã ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống của bà con; đồng thời, mong muốn bà con chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của địa phương, vận động các con, người thân của mình đang làm ăn xa không được tự ý về địa phương khi không được các cấp, ngành cho phép, tránh làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Khi tình hình dịch bệnh ổn định, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ con em được về quê thăm gia đình và phải đảm bảo quy định về phòng, chống dịch.
Ông Chau Si Na, người dân ấp Phnom pi, xã Châu Lăng chia sẻ, ông có hai con gái và hai con rể đang làm công nhân ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Mấy tháng nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty phải tạm ngừng hoạt động, các con không có thu nhập nên muốn về quê “tránh dịch” để giảm chi phí và sum họp gia đình. Mặc dù rất nhớ và mong muốn các con về quê để được an toàn hơn, nhưng sau khi Đại đức Chau Sóc Chanh và ban ấp tuyên truyền, giải thích, ông đã gọi điện cho các con hỏi thăm tình hình sức khỏe và động viên các con không nên về quê lúc này.
Qua điện thoại, ông Chau Si Na giải thích cho các con hiểu nếu tự ý về quê lúc này sẽ không đảm bảo an toàn và có thể mang theo dịch bệnh, làm lây cho gia đình, người thân ở quê. Đồng thời, ông căn dặn các con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch được Bộ Y tế và địa phương sở tại khuyến cáo để tự bảo vệ mình.
Ông Kim Seng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Châu Lăng cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, xã đã tranh thủ sự ủng hộ của các vị sư trụ trì các chùa Khmer trên địa bàn, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer và cộng đồng dân cư để thường xuyên tổ chức, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Thông qua đó, lồng ghép, vận động các hộ gia đình có con hoặc người thân đang lao động ở ngoài tỉnh, an tâm ở lại địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch của nơi sở tại.
Theo ông Kim Seng, chính các vị sư trụ trì các chùa Khmer, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer và cộng đồng dân cư là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân một cách nhanh, hiệu quả và phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Châu Lăng còn vận động các nguồn hỗ trợ, tài trợ để kịp thời chia sẻ cho nhân dân trên địa bàn xã, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại có con đi làm ăn xa, để bà con an tâm, đồng lòng cùng với chính quyền địa phương và toàn dân phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Đại tá Tống Quyết Chiến, Trưởng Công an huyện Tri Tôn cho biết, Tri Tôn là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn; người dân trong độ tuổi lao động phần lớn lên Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... tìm kiếm việc làm. Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, nhân dân luôn có mong muốn người thân được trở về nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh mọi nơi đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nguyên tắc “ai ở đâu, ở yên đó” được xem là an toàn và phù hợp nhất.
Thấu hiểu và chia sẻ với người dân, ngay từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, Công an huyện Tri Tôn đã phân công cán bộ, chiến sĩ cùng Công an xã chủ động xuống các phum, sóc “cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch” với nhân dân; kịp thời nắm bắt, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, nhất là các gia đình người dân tộc Khmer có con đi làm ăn xa, để bà con an tâm, tin tưởng vào các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được chính quyền các cấp khuyến cáo.
Ghi nhận và đánh giá cao vai trò các vị chức sắc tôn giáo, dân tộc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng khẳng định, các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn An Giang đã tích cực phối hợp, đồng hành, hỗ trợ lực lượng chức năng trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; trực tiếp tham gia hỗ trợ suất ăn, tặng khẩu trang, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ công tác và sinh hoạt hàng ngày của các tổ, chốt phòng, chống dịch… Qua đó, đã thể hiện sự đoàn kết gắn bó, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Ngoài ra, các vị chức sắc tôn giáo, dân tộc còn tham gia cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang các cấp và chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt thông qua các mô hình như: “gian hàng 0 đồng”, “chuyến xe 0 đồng”, hay mô hình “2 An” (An ninh trật tự - An sinh xã hội) trong tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, được Công an tỉnh An Giang và Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo ký kết thực hiện, Công an các địa phương phối hợp chặt với Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Cùng với đó, các vị chức sắc tôn giáo, dân tộc đã vận động nhân dân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng góp được hàng ngàn phần quà, để giúp đỡ các gia đình khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; góp phần hiệu quả, cùng với tỉnh kiểm soát tốt, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Công Mạo