An Giang nâng cao hiệu quả việc dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

An Giang nâng cao hiệu quả việc dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, Chăm sinh sống, thời gian qua An Giang đã tập trung triển khai có hiệu quả việc dạy, học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục. Qua đó, đảm bảo tốt nhất nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh vùng dân tộc.

Dạy và học đi vào nền nếp

Tỉnh An Giang có gần 28.500 hộ dân tộc thiểu số Khmer, Chăm, Hoa, với khoảng 112.000 người, chiếm 5,26% tổng dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Khmer chiếm 3,98% tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung nhiều nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Dân tộc Chăm chiếm 0,59% so với tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung khá đông ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Riêng dân tộc Hoa, An Giang có gần 5.250 người, sống chủ yếu ở khu vực thành thị. Ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, người Khmer sử dụng đan xen cùng lúc tiếng Việt và tiếng Khmer và người chăm cũng sử dụng đan xen tiếng Việt và tiếng Chăm.

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết: Sau năm 1975, tiếng Khmer, tiếng Chăm được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai dạy, học ở các trường tiểu học tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer, Chăm sinh sống.

“Năm học 1999-2010, khi có Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định “về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên” (viết tắt Nghị định 82), việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số tại An Giang đã đi vào nền nếp. Từ đó, điều kiện dạy và học tiếng dân tộc, cũng như chương trình, sách giáo khoa, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho người dạy và người học gặp rất nhiều thuận lợi”, ông Khanh thông tin.

Sau khi có Nghị định 82, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã tổ chức dạy và học tiếng Khmer tại 3 trường Phổ thông Dân tộc nội trú ở Châu Đốc, Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Tỉnh cũng tổ chức dạy học tiếng Khmer tại 7 trường tiểu học thuộc các xã: Châu Lăng, Lê Trì, Núi Tô, An Tức và xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn); tại huyện Tịnh Biên tổ chức dạy ở 9 trường tiểu học, trung học cơ sở tại các xã: Văn Giáo, An Cư, Tân Lợi và Vĩnh Trung…

Từ năm học 2015-2016, được sự giúp đỡ của tổ chức UNICEF Việt Nam, An Giang cũng đã giảng dạy thí điểm các lớp song ngữ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ Khmer tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Ngoài ra, tại huyện Tri Tôn còn triển khai dạy tiếng Khmer tại 19 điểm chùa vào dịp hè, tại các xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì, Núi Tô, Cô Tô, An Tức và xã Ô Lâm. Hiện ngành Giáo dục và Đào tạo An Giang thực hiện giảng dạy tiếng Khmer ba trình độ A, B, C từ lớp 3 đến lớp 5 với thời lượng 2 tiết/tuần; đối với cấp trung học cơ sở trở lên dạy chương trình 7 trình độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.

Đối với dạy tiếng Chăm, hiện toàn tỉnh có 5 lớp, với 114 học sinh đang theo học. Từ năm học 2019-2020, An Giang đã đưa giáo trình giảng dạy tiếng Chăm do Tiến sĩ Phú Văn Hẳn chủ biên, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang thẩm định. Song song đó, tiếng Chăm còn được các giáo cả dạy cho con em người Chăm tại các thánh đường ở các xã Đa Phước, huyện An Phú; xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú. Riêng tiếng Hoa được dạy học chủ yếu ở các cơ sở tư nhân tại thành phố Long Xuyên, Châu Đốc và thị xã Tân Châu…

Đảm bảo cơ sở vật chất và chính sách cho giáo viên

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang Trần Tuấn Khanh khẳng định: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai dạy học tiếng Khmer, Chăm trên địa bàn tỉnh thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến con em đồng bào dân tộc, tạo sự phấn khởi trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

“Từ khi có Nghị định 82, phòng học, bàn ghế, sách giáo khoa phục vụ giảng dạy, học tập tiếng dân tộc thiểu số được đảm bảo tốt nhất, nên thu hút đông đảo con em đồng bào dân tộc Khmer, Chăm đến trường. Từ đó, việc dạy, học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc, tạo nguồn nhân lực trong cộng đồng người dân tộc thiểu số An Giang”, ông Khanh nhấn mạnh.

Để nâng cao trình độ giảng dạy cho giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cũng cử nhiều lượt giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; tham gia bồi dưỡng ngắn hạn tại Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh. Riêng tiếng Chăm, do không có nguồn giáo viên nên phải thỉnh giảng các “tri thức địa phương”.

Bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách cho người dạy và người học theo Nghị định 82, thời gian qua, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số tại An Giang còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu. Riêng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng theo quy định của Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ.

Tuy đạt nhiều kết quả nhất định, nhưng bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang thừa nhận: Việc thực hiện dạy học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, tỉnh chưa mở rộng được quy mô dạy tiếng dân tộc thiểu số ở các trường tiểu học và trung học cơ sở do thiếu giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, đặc biệt là tiếng Chăm, do tỉnh không có khoa đào tạo để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo quy định của Nghị định 82.

“Đồ dùng dạy học, trang thiết bị dạy học tuy được đầu tư bài bản, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Các điểm chùa Khmer, thánh đường Chăm tuy có lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số nhưng lại chưa tham mưu cho tỉnh để được hưởng chế độ chính sách cho người dạy và người học theo quy định”, bà Diễm thông tin.

Theo bà Diễm, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung mức hỗ trợ kinh phí cho nhà sư, giáo cả, giáo viên… cũng như trang bị sách, thiết bị ở các cơ sở tôn giáo có dạy tiếng dân tộc thiểu số trong dịp hè. Bộ cần có chính sách chuẩn hóa giáo viên tiếng dân tộc thiểu số để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ giáo viên cốt cán dạy tiếng dân tộc thiểu số. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra công nhận cấp bằng, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh. An Giang cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 82 để phù hợp với Luật Giáo dục và chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thanh Sang

(TTXVN)
Dân tộc Khmer Dân tộc Khmer

Tên tự gọi: Người Khmer.

Tên gọi khác: Cur, Cul, Cu Thổ, Việt gốc Miên, Khơ Me K’rôm.

Dân số: 1.260.640 người, (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me.

Lịch sử: Trước thế kỉ XII người Khmer và văn hoá của họ giữ vai trò chủ thể ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoạt động sản xuất: Người Khmer là cư dân nông nghiệp dùng cày và trồng lúa nước. Trong bộ công cụ nông nghiệp khá hoàn thiện và hiệu quả của họ, có những dụng cụ độc đáo thích ứng với điều kiện địa lí sinh thái Nam bộ như cái phảng thay cho cày chuyên dùng ở vùng đất phèn, mặn để phát cỏ, cù nèo (Pok) dùng để vơ cỏ. Cây nọc cấy (Sơ chal) dấu vết của chiếc gậy chọc lỗ xa xưa, tạo ra lỗ để cắm cây lúa ở những chân ruộng nước nhưng đất cứng, và cái vòn gặt (Kần điêu) dùng để cắt lúa.

Người Khmer có nghề đánh cá, dệt, chiếu, đan lát, dệt vải, làm đường thốt nốt và làm gốm. Kĩ thuật gốm đơn giản, công cụ chính là hòn kê (K’leng), bàn dập (Chơ), chưa dùng bàn xoay, không có lò nung cố định, gốm mộc, không màu,với độ nung thấp. Sản phẩm gốm chủ yếu là đồ gia cụ, tiêu biểu nhất là bếp (Cà ràng) và nồi (Cà om) rất được người Việt, người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long ưa dùng.

Ăn: Người Khmer trồng hơn 150 giống lúa tẻ và nếp khác nhau, họ thường ăn cơm tẻ và cơm nếp. Thức ăn hằng ngày có tôm, cá nhỏ, ếch, nhái, rau, củ. Họ chế biến rất nhiều loại mắm: mắm ơn Pứ làm bằng tôm tép, mắm Pơ inh làm bằng cá sặc, nhưng nổi tiếng nhất là mắm B’hóc làm bằng cá lóc, các sọc, cá trê, tôm tép, mắm pơ inh làm bằng cá sặc, nhưng nổi tiếng nhất là mắm B’hóc làm bằng cá lóc, cá sọc, cá trê, tôm tép trộn với thính và muối. Gia vị ưa thích nhất là vị chua (từ quả me hay mè) và cay (hạt tiêu, tỏi, sả, ca ri...).

Mặc: Nam nữ trước đây đều mặc xà rông bằng lụa tơ tằm do họ tự dệt. Lớp thanh niên ngày nay thích mặc quần âu với áo sơmi. Những người đứng tuổi, người già thường mặc quần áo bà ba màu đen, nam giới khá giả đôi khi mặc quần áo bà ba màu trắng với chiếc khăn rằn luôn quấn trên đầu, hoặc vắt qua vai. Chỉ đặc biệt trong cưới xin, nam nữ mới mặc quần áo cổ truyền. Chú rể mặc áo xà rông, áo màu đỏ, cổ đứng với hàng khuy trước ngực, bên vai trái quàng chiếc khăn dài trắng (Kăl xinh) và con dao cưới (Kầm pách) ngụ ý để bảo vệ cô dâu. Còn cô dâu mặc Xăm pốt (váy)màu tím hay màu hồng, áo dài màu đỏ, quàng khăn và đội mũ cưới truyền thống. áo dài Khơ Me (Wện) gần gũi với chiếc áo dài của phụ nữ Chăm: áo bịt tà, thân áo rộng và dài dưới gối, cổ áo thấp và xẻ trước ngực vừa đủ để chui đầu vào, tay áo chật, hai bên sườn thường ghép thêm bốn miếng vải (thường hoặc màu) kéo dài từ nách đến gấu áo.

Trang phục bắt mắt, nhiều màu sắc góp phần tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ Khmer Nam Bộ. Ảnh An Hiếu (2).JPG
Trang phục bắt mắt, nhiều màu sắc góp phần tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ Khmer Nam Bộ. Ảnh An Hiếu

: Họ sống ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và tụ cư trên 3 vùng môi sinh lớn: vùng đồng bằng nội địa, vùng phèn mặn ven biển, vùng đồi núi Tây Nam giáp biên giới Cam Pu Chia. Người Khmer trước đây ở nhà sàn, nay sống trong các ngôi nhà đất.

Phương tiện vận chuyển: Thường sử dụng xe bò (cộ), xe lôi bánh gỗ, hoặc bánh hơi, đi lại trên đường hay những chân ruộng khô, vận chuyển nông sản trong mùa thu hoạch.

Sống trong môi trường chằng chịt kênh, rạch, ghe, thuyền của người Khmer có rất nhiều loại: xuồng ba lá, ghe tam bản, thuyền " tắc rán" hoặc thuyền "đuôi tôm" chạy máy. Ðặc biệt nhất là chiếc ghe Ngo (Tuộc mua) dài 30m, làm bằng gỗ sao, có từ 30-40 tay chèo, mũi và hai bên thành thuyền có vẽ hình ó biển, voi, sư tử, sóng nước. Ghe Ngo chỉ sử dụng trong dịp lễ chào mặt trăng OK-ang Bok (tháng 10 âm lịch), còn ngày thường họ gửi trong chùa, được cư dân trong các "Phum", "Sóc" coi như vật thiêng.

Quan hệ xã hội: Gia đình nhỏ một vợ một chồng, ở riêng và là đơn vị kinh tế độc lập, có nơi 3-4 thế hệ sống chung trong một nhà. Xã hội Khmer vẫn còn tồn tại nhiều tàn dư mẫu hệ.

Người Khmer có rất nhiều họ khác nhau. Những họ do triều Nguyễn trước đây đặt ra như: Danh, Kiên, Kim, Sơn, Thạch. Những họ tiếp thu từ người Việt và người Hoa như: Trần, Nguyễn, Dương, Trương, Mã, Lý... Lại có những họ thuần tuý Khmer như U, Khan, Khum. Tình trạng ngoại tình, đa thê, li hôn hoặc loạn luân giữa những người có huyết thống trực hệ, ít xẩy ra hoặc tuyệt đối nghiêm cấm.

Hôn nhân: Hôn nhân thường do cha mẹ xếp đặt, có sự thoả thuận của con cái. Cưới xin trải qua 3 bước: làm mối, dạm hỏi và lễ cưới, được tổ chức ở bên nhà gái. Sau đó, người con trai phải ở bên nhà vợ một thời gian. Trải qua ít năm hoặc khi có con, họ ra ở riêng, nhưng vẫn cư trú bên ngoại.

Ma chay: Tục hoả thiêu đã có từ lâu. Sau khi thiêu, tro được giữ trong tháp "Pì chét đẩy", xây cạnh ngôi chính điện trong chùa.

Lễ tết: Có 2 lễ lớn trong năm.

Tết Chuôn chnam Thmây tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3 đầu tháng Chét (theo Phật lịch) vào khoảng tháng 4 dương lịch.

Lễ chào mặt trăng (ok ang bok) tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch, trong lễ này có đua thuyền Ngo giữa các phum - sóc.

Thờ cúng: Thờ Phật, tổ tiên và thực hành các nghi lễ nông nghiệp như cúng thần ruộng (neak tà xiê), gọi hồn lúa (ok ang leok), thần mặt trăng (ok ang bok).

Học: Con trai khi lớn đều được cha mẹ gửi vào chùa làm sư từ 3 đến 5 năm. Họ được học kinh Phật, học chữ Khmer ở các trường chùa. Chỉ sau nghĩa vụ tu hành, họ mới được phép hoàn tục và mới có quyền được lập gia đình.

Các nghệ nhân người Khmer (Cà Mau) diễn tấu với các nhạc cụ trong dàn nhạc trống lớn. Ảnh Huỳnh Lâm.jpg
Các nghệ nhân người Khmer (Cà Mau) diễn tấu với các nhạc cụ trong dàn nhạc trống lớn. Ảnh Huỳnh Lâm

Văn nghệ: Người Khmer có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, có một nền sân khấu truyền thống như Dù kê, Dì kê, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc Ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam Á. Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer của Phật giáo tiểu thừa (Thérévada), ngoài tượng Ðức Phật Thích Ca được tôn thờ duy nhất, chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, vẫn tồn tại một hệ thống phong phú linh thần, linh thú - những dấu vết tàn dư còn lại của Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm