Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại một số điểm nóng trên địa bàn huyện Tri Tôn. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN |
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, năm 2018, tổng diện rừng và đất lâm nghiệp địa phương là 16.868 ha; trong đó diện tích rừng là 13.680 ha, đất rừng mới trồng và chưa có rừng là 3.188 ha. Diện tích rừng và đất rừng tỉnh được nhà nước giao cho các tổ chức cá nhân, hộ gia đình sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Tuy diện tích rừng và đất rừng của An Giang không lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, từ tháng 2-5/2019, khu vực Nam Bộ, lượng mưa thiếu hụt khoảng 20-40%, từ đó có thể gây nên tình trạng thiếu nước, hạn hán. Bên cạnh đó, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ khả năng xuất hiện sớm hơn so với năm 2017-2018.
Do đó, An Giang đang đối mặt với nguy cơ xảy ra cháy rừng, cháy lớn rất cao, đặc biệt là các khu vực rừng tràm ở các huyện miền núi. Hiện An Giang đã nâng cấp cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh lên cấp IV, cấp cháy nguy hiểm, có khả năng cháy lớn ở 4 huyện, thành phố Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Đốc.
Để bảo vệ và phòng chống cháy rừng trong những tháng mùa khô, tỉnh An Giang đã hoàn chỉnh phương án và kế hoạch hiệp đồng chữa cháy cấp tỉnh; bố trí phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống cháy rừng; trang bị 4 xe tải phục vụ chuyển quân... Các huyện, thành phố miền núi được trang bị 133 máy chữa cháy cải tiến, 34 máy chữa cháy đeo vai, 7 máy bơm chuyên dụng chữa cháy rừng đồng bằng và trên 10.500 các dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bàn cào, dao quéo, thùng thiết, kẻng báo động.
Khu vực Núi Dài, huyện Tịnh Biên đã được nâng cảnh báo cháy rừng lên cấp IV, cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN |
Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi Cục Trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 2 đợt kiểm tra thực địa, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng và một số vùng trọng điểm cháy ngay trước Tết Nguyên đán và đã kiểm tra đột xuất các Trạm, chốt, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Kết quả đều chấp hành lịch trực nghiêm túc.
Theo ông Hùng, đến nay, các đơn vị và lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm đã phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm tra 144 đợt với 290 lượt người tham gia, nội dung kiểm tra bao gồm một số tổ chức và cá nhân là những chủ rừng thực hiện quy trình phòng cháy và chữa cháy rừng, cụ thể như: nguồn nước, phương tiện, máy chữa cháy, lao động tuần tra, băng chống cháy lan …
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn An Giang không xảy ra bất cứ vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, để phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao nhất, hiện Chi Cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cũng đã triển khai bố trí các phương tiện, máy móc và dụng cụ thô sơ phục vụ công tác phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, với tổng số điểm đã bố trí là 246/310 điểm.
Song song đó, Chi Cục đã xây dựng, phát dọn 7 đường băng cản lửa chóng cháy lan thuộc Núi Cấm, núi Phú Cường và rừng Tràm Trà Sư với tổng diện tích dọn băng chống cháy là 27,19 ha. Dự kiến cuối tháng 2/2019 tiến hành đốt chủ động, chống cháy lan vào rừng với tổng diện tích 23 ha; thực hiện gánh nước đổ đầy 60 bồn nước với 80 bồn đã đổ đầy 50% lượng nước để dự trữ phục vụ phòng chống cháy rừng trên các đỉnh núi.
Thanh Sang