An Giang đẩy mạnh công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân vận năm 2024 được Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang đưa ra tại “Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024” diễn ra ngày 7/3.
2024 là năm có ý nghĩa quyết định việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, đồng thời chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Phát huy các kết quả đạt được, Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Trong đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống dân vận các cấp rà soát mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đảng bộ các cấp đề ra; ban hành và thực hiện chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác dân vận...
Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang tiếp tục có giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền, trọng tâm là thực hiện hiệu quả các mô hình như, Dân vận khéo, Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ…; tập trung xây dựng một số mô hình mới gắn chủ đề học tập với chương trình “Nghĩa tình Dân vận” của Ban Dân vận Tỉnh ủy và mô hình an sinh xã hội đang phát huy hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, với cách làm sáng tạo, hướng tới mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. Hệ thống dân vận các cấp đẩy mạnh công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo; kiểm tra, giám sát chính sách dân tộc, Chương trình mục tiêu Quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc.
Ban Dân vận Tỉnh ủy tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản của cấp trên và cấp ủy cùng cấp về công tác dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân vận trong hệ thống chính trị hết lòng vì dân, luôn nắm chắc bài học “Tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân” trong thực thi nhiệm vụ.
Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao”, nâng cao chất lượng mô hình, phong trào tự quản của nhân dân. Đồng thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức tiêu biểu, mô hình hay, cách làm tốt, mới, sáng tạo về công tác dân vận gắn với sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững… góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang, thời gian qua, công tác nắm bắt tình hình và giải quyết những vấn đề bức xúc, chính đáng của nhân dân được quan tâm; công tác dân vận chính quyền được chú trọng… góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra.
Tỉnh chú trọng công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số. An Giang thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết những vấn đề nảy sinh tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng; quan tâm vận động đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn An Giang đã tích cực phối hợp cùng chính quyền, cảnh giác với âm mưu phá hoại, gây rối của các thế lực thù địch. Từ đó an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định. Đồng thời, quan hệ giữa chính quyền với đồng bào dân tộc, tôn giáo ngày càng gắn bó hơn, tạo đồng thuận trong chức sắc tôn giáo, đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Qua công tác dân vận, chính quyền các cấp trên địa bàn An Giang nắm bắt tình hình và giải quyết những vấn đề bức xúc chính đáng của nhân dân; công tác giám sát, tham gia góp ý, phản biện của Mặt trận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng đi vào thực chất. Các kiến nghị qua giám sát từng bước được các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương lắng nghe, quan tâm và chủ động giải quyết, không để xảy ra điểm nóng.
An Giang triển khai hiệu quả nhiều mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”. Tính đến đầu tháng 3/2024, toàn tỉnh có gần 2.400 mô hình được triển khai. Nhiều mô hình dân vận hay được nhân dân đồng tình, ủng hộ như: Mô hình bê tông đường ra cánh đồng (thị xã Tân Châu); hỗ trợ thanh niên vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế (thị xã Tịnh Biên); mô hình nhận đỡ đầu phụ nữ đơn thân, trẻ em khuyết tật (huyện Phú Tân)…
Thanh Sang