![]() Single "What is love?" của Hồ Ngọc Hà. |
Hiện trên mạng có hai luồng ý kiến trái chiều. Trung niên, già thì không tán thành vì họ cho rằng “nửa nạc nửa mỡ”. Trong khi giới trẻ thì bênh vực cho phong cách sáng tác kiểu này vì nó hiện đại, hội nhập. Các bạn trẻ còn dẫn ra bằng chứng rằng ngay cả ban nhạc huyền thoại nước Anh The Beatles cũng phải vay mượn ca từ nước Pháp. Cuối năm 1965, ban nhạc The Beatles phát hành đĩa Rubber soul, trong đó có bài Michelle mà lời bài hát bằng tiếng Anh xen lẫn tiếng Pháp: "Michelle, ma belle, these are words that go together well, my Michelle. Michelle, ma belle, sont des mots qui vont tres bien ensemble. Tres bien ensemble...".
Nói đi phải nghĩ lại, không thể so sánh khập khiễng như thế. Bài hát Michelle của The Beatles được lấy cảm hứng trong một không gian ở Pháp. Ca từ và phong cách của Michelle thừa hưởng từ nền văn hóa đại chúng Rive Gauche (tả ngạn Paris, Pháp) từ những ngày Paul McCartney còn ở Liverpool. McCartney từng tham dự các buổi tiệc của nhóm các sinh viên nghệ thuật nói và hát tiếng Pháp. Và McCartney nghĩ mình cần phải làm gì đó để lấy lòng mọi người. Thế là bài hát Michelle ra đời như là chiếc cầu nối giữa văn hóa Pháp và Anh. Chính ông cũng thừa nhận là do không biết tiếng Pháp nên chỉ đệm vài câu và có sự tư vấn của một giáo viên người Pháp hẳn hoi.
Trong khi đó nhạc sĩ, ca sĩ Châu Đăng Khoa cho rằng sáng tác kiểu này là điều bình thường, không có gì đáng lên án, giúp giới trẻ dễ tiếp cận những điều mới mẻ hơn. Còn ca sĩ Hồ Ngọc Hà đã thừa nhận với truyền thông là những ca khúc có ca từ tiếng Anh giúp dễ hát hơn và dễ được mọi người tìm kiếm trên mạng xã hội hơn. Rõ ràng âm nhạc chúng ta đang chạy theo thị trường một cách mê muội, không có điểm dừng. Đồng ý rằng âm nhạc có sự giao thoa ngôn ngữ, nhưng đó là ở dạng chấp nhận vì đòi hỏi ngôn ngữ bản địa mới truyền tải hết thông điệp.
Ví dụ khi chuyển ngữ bài hát Happy new year của ban nhạc ABBA sang tiếng Việt, nhạc sĩ nước ta vẫn cố giữ lại cụm từ tiếng Anh này để làm tôn vinh điểm nhấn của toàn nội dung. Tiếng Việt ta rất giàu đẹp, không thiếu các từ sang trọng, dễ thương. Vì thế mong rằng nhạc sĩ Việt Nam có nhiều bài hát trọn vẹn bằng tiếng Việt, kể cả tựa đề và nội dung. Nếu muốn vươn xa ra thế giới, hãy sáng tác hoàn toàn ca khúc mang tên tiếng Anh lẫn nội dung và phải hát chuẩn. Đừng vì kinh tế mà chạy theo trào lưu tức thời, “nửa nạc nửa mỡ” dẫn đến sự nhạt nhòa tiếng mẹ đẻ trong mắt giới trẻ, khi mà xã hội hiện nay ngày càng chuộng tiếng Anh, ngay cả tên một cửa hàng tạp hóa nhỏ.
Ca khúc Thương ca tiếng Việt do Đức Trí sáng tác, lời Hà Quang Minh, được Mỹ Tâm trình bày tuy mộc mạc nhưng ai bảo rằng không thu hút giới trẻ? Hay những bài hát hoàn toàn “thuần Việt” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, không cần chêm từ tiếng Anh nào, nhưng đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới chuyển ngữ. Âm nhạc cuốn hút người xem và lưu truyền qua nhiều đời không phải chú trọng ở hình thức mà là chính chất lượng ở nội dung.