Từ bao đời nay, “dân là gốc” luôn là kim chỉ nam xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sức mạnh lòng dân đã đưa đất nước ta băng qua những gập ghềnh, gian nan suốt hàng nghìn năm lịch sử. Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được Đảng, Nhà nước ta thấu triệt, vận dụng, là cơ sở tạo nên cội nguồn sức mạnh đoàn kết, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đảng ra đời là vì lợi ích của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng là nhằm “lấy tài dân, sức dân để làm những công việc có lợi cho dân”, chứ không phải vì lợi ích của người lãnh đạo.
Trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục phát triển và đổi mới hiện nay, “dân là gốc” tiếp tục là kim chỉ nam trong tư tưởng, phương châm hành động của Đảng, Nhà nước ta.
Bài 2 - Khi ý Đảng hợp lòng dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt "quan cách mạng", ra lệnh, ra oai... phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo". Tiếp nối truyền thống đó cùng quá trình tổng kết thực tiễn 35 năm Đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XIII của Đảng đã rút ra những bài học hết sức quan trọng, trong đó nhấn mạnh quan điểm "dân là gốc". Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cùng với thực hiện "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", Đảng ta bổ sung hai nội hàm "dân giám sát, dân thụ hưởng". Điều này rất đúng đắn, phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bởi chỉ khi nào nhân dân được giám sát và hưởng thụ những thành quả từ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, khi đó nhân dân mới thực là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Dạo bước trên con đường bê tông khang trang, sạch đẹp xen lẫn những bồn hoa rực rỡ, bà Dương Thị Vân (xóm Bến, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) không khỏi vui mừng và tự hào trước những đổi thay trên quê hương mình. Nhớ lại thời gian trước, bà Dương Thị Vân cho biết, con đường này trước đây nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn. Năm 2010, chương trình xây dựng nông thôn được triển khai tại xóm Bến, xã Đắc Sơn, bộ mặt nông thôn nơi đây thay đổi từng ngày. Sau khi được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2016, xã Đắc Sơn tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng", người dân xóm Bến đã tự nguyện hiến trên 25.000 m2 đất cùng hàng trăm ngày công lao động để xây dựng 7,4 km đường làng, ngõ xóm và gần 3.000 mét đường nội đồng. Gia đình bà Vân cũng tham gia hiến hơn 150 m2 đất thổ cư cùng nhiều ngày công lao động. "Nhìn đường làng ngõ xóm sạch đẹp, khang trang thế này, chúng tôi rất mừng. Trong quá trình làm đường, sửa sang nhà văn hóa, cống thoát nước, cán bộ xóm, xã vào tận nhà thông báo, xin ý kiến chúng tôi rồi mới bắt tay thực hiện. Bà con trong làng cùng nhau bàn bạc để đưa ra quyết định làm thế nào để có con đường đẹp nhất, sạch nhất, phấn khởi lắm", bà Vân hồ hởi chia sẻ.
Ông Trần Tuấn Phòng, Phó Bí thư chi bộ xóm Bến cho biết, công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, nhanh chóng tại địa phương là nhờ sự đồng lòng, nhất trí của người dân. Trong các cuộc họp chi bộ, thông tin về quá trình xây dựng nông thôn mới được chia sẻ tới từng đảng viên. Trong các cuộc họp của xóm cũng vậy, người dân được biết, được bàn nên hiểu rõ quy trình thực hiện. Quá trình xây dựng các hạng mục cũng tham khảo ý kiến và có sự tham gia của nhân dân, từ đó người dân được giám sát trực tiếp quy trình thực hiện nên thêm yên tâm và tích cực đóng góp cho xây dựng nông thôn mới trên quê hương. Ông Trần Tuấn Phòng cho biết thêm: "Chúng tôi luôn vận động bà con nhân dân giữ gìn và nâng cao hơn nữa mọi công trình đã làm được để giữ gìn môi trường và làm cho đẹp hơn cảnh quan làng xóm. Mỗi đoạn đường trong xóm đều được giao cho từng hộ dân tự quản, các hộ tự cắt tỉa cây cảnh, vệ sinh đường làng, phát quang cây ven đường… Chỉ cần một hộ làm là các hộ khác bảo nhau ra làm cùng, tạo nên không khí rất vui vẻ".
Nhờ có sự chung tay của từng người dân, đến nay, xã Đắc Sơn đã có 19/19 tiêu chí nông thôn mới được hoàn thành, 13/21 xóm đạt nông thôn mới kiểu mẫu cùng nhiều mô hình "Gia đình nông thôn mới tiêu biểu"… Xã đang tiến hành các thủ tục để được công nhận chính thức danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao.
Chia sẻ về bài học trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Sơn cho rằng, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải có sự đồng lòng chung sức đồng thuận của toàn thể nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, nếu nảy sinh những khó khăn, chính quyền địa phương sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu và cùng với xã xây dựng thành công chương trình nông thôn mới. Một điểm đặc biệt quan trọng hiện nay, theo ông Đặng Việt Dũng, người dân phải được biết, được bàn, được giám sát toàn bộ quy trình xây dựng nông thôn mới, từ đó được hưởng thụ thành quả do chính mình đóng góp, nhờ vậy công tác xây dựng nông thôn mới sẽ có thành quả lâu bền.
Với phương châm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đắc Sơn vẫn đang tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới với mục tiêu xây dựng nông thôn là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân.
Dựa vào dân để xây dựng Đảng
"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" chính là các khâu để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân, nhất là ở cơ sở. Đây là những quyền lợi hết sức sát sườn, thiết thực của người dân cả về vật chất và tinh thần, là biểu hiện sinh động của việc ý Đảng hợp với lòng dân. Đó chính là quá trình tiếp tục củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, cũng là nội dung được Đại hội XIII của Đảng xác định: "Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng".
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đánh giá, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ hữu cơ, tất yếu được Điều lệ Đảng xác lập và Hiến pháp 2013 ghi nhận. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm gìn giữ và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Điều đó được thể hiện qua nghị quyết của các kỳ đại hội và nhiều nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, quy định... về vấn đề này. Để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa cụm từ "Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng" vào một đầu mục, thể hiện nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng trong tình hình mới.
Cùng với đó, Đại hội XIII xác định, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bổ sung nội dung "dân giám sát, dân thụ hưởng" để hoàn chỉnh thành phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Theo ông Bùi Tuấn Quang, nếu phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân thì sẽ ngăn ngừa được từ sớm, từ xa những tiêu cực trong xã hội. Nhân dân là người trực tiếp làm ra của cải vật chất, tinh thần, thì nhân dân phải là chủ thể được thụ hưởng; sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo là của nhân dân thì người dân phải được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đó. Đó là bản chất của chế độ ta và cũng là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Việc bổ sung này cũng là bước tiếp tục cụ thể hóa thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước cũng như mọi lợi ích đều thuộc về nhân dân.
Đánh giá về hai yếu tố được bổ sung: "Dân giám sát, dân thụ hưởng", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, suy cho cùng, động lực để khơi dậy các phong trào của nhân dân là yếu tố lợi ích. Nếu đưa đúng yếu tố lợi ích thì sẽ khơi dậy được sức mạnh của nhân dân.
"Nhìn lại trước Đổi mới, chúng ta thấy 95% ruộng đất của nông dân là của hợp tác xã, nông dân chỉ được có 5% thôi. Thế nhưng số liệu thực tế cho thấy, 95% ruộng đất kia chỉ mang lại 55% thu nhập cho nông dân, trong khi đó 5% ruộng đất lại mang đến 45% thu nhập. Thực tế đó dẫn đến một quan điểm: Người dân bỏ công sức làm thì phải được hưởng thụ những thành quả từ sự vất vả đó. Nếu làm được điều này, người dân sẽ rất tâm huyết", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cường chia sẻ.
Về mặt cơ chế, chính sách, để tăng cường vai trò giám sát của nhân dân và để nhân dân thực sự được thụ hưởng những thành quả phát triển của đất nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cường khẳng định, trước tiên là phải phát huy dân chủ; dân phải được biết. Một vấn đề nữa, Đảng, Nhà nước cần tạo ra cơ chế để người dân tham gia bằng việc ban hành những chính sách thật sự an dân, thật sự hướng đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cường cho rằng, nhân dân cũng cần thực hiện vai trò chủ thể, trực tiếp tham gia bởi chính sự tham gia tích cực của người dân sẽ mang lại thành quả trong thực tế và được hưởng lợi từ chính thành quả đó. Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên cả nước là một ví dụ điển hình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng ta… ở trong xã hội mà ra", "… là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam". Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ta luôn coi mối quan hệ với Nhân dân là mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích. Đảng ra đời và phát triển không vì mục đích tự thân, mà vì mục đích đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng là thiết thực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong tình hình mới. (Còn nữa)
Thu Phương-Thu Hằng