Từ một vùng đất khô cằn với nhiều bất lợi trong phát triển kinh tế, ngày nay xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã “chuyển mình” mạnh mẽ và trở thành xã biên giới đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk đạt chuẩn nông thôn mới. Cũng từ đó, bộ mặt nông thôn vùng biên được thay đổi, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân được nâng cao. Đây không chỉ là thành tích của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Ea Bung mà còn là thành quả của chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong những năm qua.
Diện mạo thay đổi
Xã Ea Bung có tổng diện tích đất tự nhiên gần 29.500 ha, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, khô hạn nên gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh ấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã “thổi làn gió mới” vào xã vùng biên Ea Bung, những chính sách phát triển kinh - xã hội từ chương trình này trở thành “đòn bẩy” làm thay đổi hoàn toàn đời sống nhân dân. Vùng đất khô cằn ngày nào đã trở thành những cánh đồng lúa “cò bay mỏi cánh”, diện mạo nông thôn cũng “lột xác” trở nên khang trang, khởi sắc.
Gia đình ông Lê Thành Trung, thôn 8, xã Ea Bung là một trong những hộ đi đầu trong đổi mới tư duy canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất khi sở hữu hơn 15 ha lúa nước và làm giàu trên vùng đất khó. Hiện mỗi năm ông Trung trồng hai vụ lúa, mỗi vụ thu hoạch hơn 100 tấn lúa, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Lê Thành Trung cho biết, gia đình đi kinh tế mới vào định cư tại xã Ea Bung từ năm 1982, trước đây chủ yếu là đất hoang hóa, chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, người dân chỉ mong làm đủ để ăn. Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước đầu tư nguồn vốn xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi, vay vốn sản xuất… đã tạo điều kiện thuận lợi và kích thích người dân lao động, sản xuất theo hướng hàng hóa, từng bước “biến” vùng đất khô cằn thành những đồng lúa mênh mông như ngày nay.
“So với những năm trước đây thì đời sống kinh tế của người dân đã thay đổi đáng kể, từ chỗ trồng trọt theo kiểu tự cung tự cấp, đến nay đã hình thành nền sản xuất hàng hóa với những cánh đồng mẫu lớn. Để có được thành quả hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của người dân chính là hiệu quả từ những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước”, ông Lê Thành Trung chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bung Hoàng Thị Hằng cho biết: Toàn xã hiện có gần 1.500 ha lúa nước, trong đó có nhiều diện tích lúa giống chất lượng cao như ST25 - giống lúa được mệnh danh ngon nhất thế giới. Nhiều hộ gia đình canh tác từ 15-20 ha lúa trở thành những hộ tiên phong trong phong trào lao động, sản xuất và làm giàu trên chính quê hương của mình. Bên cạnh đó, các mô hình trồng cây ăn trái như xoài, chăn nuôi theo hướng trang trại như bò, lợn… cũng dần hình thành và phát triển tại địa phương. Điều này khiến “bức tranh” kinh tế của xã vùng biên trở nên đa dạng, phong phú và còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Có thể nói, từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới cùng với nội lực của sức dân đã làm thay đổi diện mạo của xã biên giới vốn khó khăn đủ bề. Không chỉ khởi sắc “bức tranh” kinh tế mà sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2011-2020, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt gần 43,6 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 600 triệu đồng. Ngày nay, đến với xã biên giới Ea Bung sẽ cảm nhận được sự khang trang khi 100% các tuyến đường liên xã, liên thôn, nội thôn được cứng hóa; đường giao thông nội đồng được chú trọng đầu tư nâng cấp; hệ thống kênh mương được kiên cố hóa; giáo dục, y tế được nâng cao chất lượng; thu nhập người dân nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/người năm; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh 100%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sông văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng được nhân dân hưởng ứng tích cực, an ninh, trật tự - xã hội được đảm bảo.
Phát huy nội lực, phấn đấu xây dựng nôn thôn mới nâng cao
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung Lê Hồng Hạnh, để có được những bước tiến nhanh và sớm về đích nông thôn mới, quá trình xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ và chính quyền xác định từng mục tiêu phù hợp với mỗi giai đoạn cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2010-2015, xã tập trung vào nhiệm vụ chính là phát triển nông nghiệp, ưu tiên kiên cô hóa hệ thông kênh mương, phát triển giao thông đi lại, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ với cây lúa làm làm mũi nhọn. Từ đó đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, kinh tế phát triển cũng kéo theo những lĩnh vực khác và đưa xã các đích chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020. Đây cũng là bước “chạy đà” quan trọng, tạo nguồn nội lực để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Vui mừng với thành quả hiện tại của xã và kỳ vọng bước tiến mới trong tương lai, bà Lương Thị Hiện, Trưởng thôn 8, xã Ea Bung chia sẻ: So với 10 năm trước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, bà con ai nấy đều phấn khởi khi chứng kiến làng quê thay đổi. Từ chỗ nhiều người dân còn mơ hồ với “khái niệm” xây dựng nông thôn mới, đến nay chính người dân đã trở thành chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới. Các phong trào hiến đất làm đường, thi đua lao động sản xuất, cải tạo cảnh quan… đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần không nhỏ “sức người, sức của” vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và đưa xã biên giới Ea Bung trở thành vùng quê đáng sống trong tương lai gần.
Ông Lê Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung cho biết: Còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì các tiêu chí và tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhất là sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nguồn lực đầu tư của nhà nước giảm dần. Tuy nhiên, với kinh nghiệm, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ea Bung sẽ có những giải pháp phù hợp, đặc biệt là phát huy sức mạnh của nhân dân trong giai đoạn tới để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Theo đó, để đạt được mục tiêu đặt ra, Đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, đảm bảo công khai cho các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân được tham gia đóng góp xây dựng và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đề án ở địa phương. Bên cạnh đó, kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào của quần chúng nhân dân trước đây đề vận dụng sáng tạo vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó có bài học xuyên suốt là phát huy dân chủ, công khai minh bạch để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và dân thụ hưởng nhằm phát huy tối đa nguồn nội lực và sức mạnh đại đoàn kết từ nhân dân.
Thời gian tới, xã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, triển khai việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Ea Bung tích cực huy động nguồn nội lực kết hợp với tranh thủ tối đa nguồn đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đảm bảo phát huy hiệu quả, vận dụng cơ chế chính sách phù hợp, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào địa phương.
“Bên cạnh phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng, y tế, giáo dục, địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn, đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng, như bảo tồn phát huy nghệ thuật Chèo của bà con quê gốc Thái Bình, nghệ thuật Bài chòi của bà con quê gốc Quảng Nam… để làm phục vụ đời sống tinh thần mang màu sắc riêng của xã vùng biên Ea Bung. Xã tiếp tục cải tạo cảnh quan, môi trường theo hướng xanh - sạch - đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân cũng như phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đề ra”, ông Lê Hồng Hạnh cho hay.
Tuấn Anh