77 năm Quốc khánh: Vững vàng vùng phên dậu biên cương Lạng Sơn

77 năm Quốc khánh: Vững vàng vùng phên dậu biên cương Lạng Sơn

Là tỉnh miền núi biên giới, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã chủ động xác định những nhiệm vụ quan trọng, đột phá, sáng tạo để tạo chuyển biến rõ nét, huy động tối đa nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tỉnh Lạng Sơn từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, đảm bảo duy trì hoạt động thông thương xuất nhập khẩu qua địa bàn. Vùng đất phên dậu biên cương này đang “thay da đổi thịt” từng ngày.

77 năm Quốc khánh: Vững vàng vùng phên dậu biên cương Lạng Sơn ảnh 1Khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu QT Hữu Nghị (Lạng Sơn) được giám sát y tế chặt chẽ. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Những gam màu sống động

Chắc chắn rằng, với những ai sau 5 -10 năm quay trở lại thành phố Lạng Sơn đều sẽ ngạc nhiên về những thay đổi diện mạo của đô thị Xứ Lạng. Đó là sức sống của những tòa nhà cao tầng khu đô thị mới, các khu chức năng thương mại mua bán sầm uất, các tuyến đường phố mới, những công viên cây xanh được mở rộng đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống đèn điện chiếu sáng đường phố và công viên độc đáo ấn tượng… Tất cả thay đổi về hạ tầng kỹ thuật ấy đã thể hiện bước chuyển mạnh mẽ của một thành phố 20 năm tuổi.

Ông Bùi Tấn Bình (sinh năm 1935, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến sự đổi thay, phát triển của mảnh đất Xứ Lạng, nhất là của thành phố Lạng Sơn. Thành phố Lạng Sơn đã có một diện mạo mới, khác xa hoàn toàn so với chục năm trước đây, từng bước trở thành thành phố văn minh, hiện đại.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn Nguyễn Văn Hạnh, dù còn nhiều khó khăn thách thức song với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, thành phố Lạng Sơn 20 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm đạt từ 10-11%; các hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá; du lịch tiếp tục phát triển với các khu vui chơi, điểm tham quan mua sắm, đặc biệt thành phố đã duy trì thành công hoạt động của tuyến Phố đi bộ Kỳ Lừa, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

77 năm Quốc khánh: Vững vàng vùng phên dậu biên cương Lạng Sơn ảnh 2Hệ thống phun khử khuẩn tại luồng nhập khẩu hàng hóa cửa khẩu QT Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Quang Duy - TTXVN

“Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Lạng Sơn tiếp tục đoàn kết, nhất trí chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị xanh, sạch, thông minh hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phấn đấu đến năm 2030 đạt những tiêu chí cơ bản của đô thị loại I. Qua đó sẽ tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, chỉnh trang và phát triển đô thị, tập trung phát triển không gian đô thị và các khu chức năng đô thị; thu hút các nhà đầu tư quan tâm tới các dự án phát triển du lịch trên địa bàn, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại du lịch của tỉnh Lạng Sơn và vùng Đông Bắc Tổ quốc…”, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn Nguyễn Văn Hạnh cho biết thêm.

77 năm Quốc khánh: Vững vàng vùng phên dậu biên cương Lạng Sơn ảnh 3 Thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, được công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Ảnh: TTXVN phát

Trong phát triển kinh tế cửa khẩu, các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu. Để đảm bảo duy trì hoạt động thông thương hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để phối hợp giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, lên phương án thiết lập “vùng xanh”, triển khai cửa khẩu số, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19… phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi.

Chị Vũ Quỳnh Trang, đại diện Công ty xuất khẩu hoa quả qua cửa khẩu Tân Thanh cho biết, các lực lượng chức năng tại của khẩu đã luôn tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp. Đơn cử là đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp khi có vướng mắc trong giao thương, kê tờ khai hải quan cũng như tạo thuận lợi cho hàng hóa được xuất khẩu sớm nhất, nhất là hàng hoa quả..

Song song với phát triển kinh tế cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm đầu tư đến vùng nông thôn khó khăn, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những con đường bê tông trải dài qua các thôn ngõ xóm, những cây cầu dân sinh kiên cố kết nối các bản làng tạo gắn kết và thuận lợi giao thương nông sản hàng hóa, những ngôi nhà cao tầng kiên cố hiện hữu nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa là minh chứng cho sự thay đổi diện mạo cuộc sống người dân.

77 năm Quốc khánh: Vững vàng vùng phên dậu biên cương Lạng Sơn ảnh 4Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch đồi chè tại thôn Hòa An, xã Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng Ma Văn Xuân chia sẻ, Hữu Kiên là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn, ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Cuộc sống còn nhiều vất vả song đồng bào dân tộc nơi này luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua những chính sách phát triển nông thôn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong sản xuất, khai thác lợi thế để phát triển chăn nuôi đặc biệt là ngựa bạch, qua đó đời sống đã có sự thay đổi tích cực, góp phần thiết thực trong thực hiện công tác giảm nghèo của xã.

Tạo những đột phá phát triển mới

Từ các chương trình, đề án, nghị quyết, chính sách... của Trung ương, các cấp ngành tỉnh Lạng Sơn đã cụ thể hóa phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương. Điều này đem đến cho Lạng Sơn những kết quả ấn khả quan về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và một số lĩnh vực khác trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,51% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,86% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 3.880,7 tỷ đồng; đăng ký thành lập mới 250 doanh nghiệp; tạo việc làm mới cho trên 11.000 lao động; tỷ lệ hộ chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 12% (hết năm 2021); tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững...

77 năm Quốc khánh: Vững vàng vùng phên dậu biên cương Lạng Sơn ảnh 5Cán bộ Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh (thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Lạng Sơn) kiểm tra các mẫu nông sản xuất nhập khẩu. Ảnh: Quang Duy – TTXVN

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền các cấp tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh.

Theo đó, Lạng Sơn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án đầu tư, xây dựng giao thông nông thôn; duy trì ổn định sản xuất của các cơ sở công nghiệp, thực hiện các biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ban, ngành, các huyện, thành phố… Cùng với các hoạt động đối ngoại, Lạng Sơn sẽ nâng cao khả năng dự báo tình hình, nắm bắt các chính sách, biện pháp áp dụng xuất nhập khẩu hàng hóa của phía Trung Quốc, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua địa bàn tỉnh, hạn chế ùn tắc hàng hóa và bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia, chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, trấn áp các loại tội phạm…

Những “gam màu” sống động của tỉnh Lạng Sơn trong phát triển kinh tế - xã hội đã thể hiện sự vững vàng của mảnh đất vùng phên dậu biên cương phía Bắc. Cuộc sống người dân dần đổi thay, bức tranh nông thôn dần khởi sắc… Điều này có được phần lớn là nhờ các những chính sách hỗ trợ phát triển miền núi của Trung ương, của tỉnh; phần khác là từ chính sự tin tưởng, đồng thuận giữa người dân và chính quyền các cấp trong triển khai các chính sách ấy.

Nguyễn Quang Duy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm