Thông tấn xã Giải phóng ra đời ngày 12/10/1960, thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, anh dũng trên mặt trận, duy trì mạch thông tin thông suốt từ chiến trường miền Nam đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Thông tấn xã Giải phóng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong “trận chiến cuối cùng”, Giải phóng Sài Gòn, Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2020), đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, TTXVN xin giới thiệu chùm 3 bài viết về những dấu ấn của Thông tấn xã Giải phóng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bài 2 - Thần tốc hướng về giải phóng Sài Gòn
Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cơ quan Thông tấn xã Giải phóng tung ra hai cánh quân lớn. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ nhân sự cho đến trang thiết bị cần thiết, đội quân Thông tấn đã sát cánh cùng các cánh quân chủ lực, cùng quân và dân ta bước vào trận đánh cuối cùng - Giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Những cánh quân Thông tấn
Cánh thứ nhất gồm nhiều mũi, đi trước theo các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Nhiều tổ phóng viên, điện báo đã gấp rút được thành lập, khẩn trương bám theo các đơn vị tác chiến ra chiến trường, cùng bộ đội triển khai các mũi tiến công bao vây Sài Gòn.
Khi cuộc tổng tấn công bước vào thời điểm quyết định, Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng tiếp tục cử nhiều tổ phóng viên chiến trường tỏa đi các địa phương, nhất là các tỉnh lân cận Sài Gòn, theo Đoàn Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (bí danh đoàn I4), là mũi “thọc sâu” đầu tiên từ hướng Tây Bắc tiến về Sài Gòn; tổ thông tin của Thông tấn xã Giải phóng đi theo cánh quân 232 của mặt trận Tây - Tây Nam tiến về Sài Gòn, T4 ở vùng Đồng Tháp Mười của Long An…
Cánh thứ hai cũng là cánh chủ lực, có mật danh là Đoàn H3, do Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân dẫn đầu, bao gồm các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên, hình thành một bộ khung khá đầy đủ, theo đoàn lớn của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Phóng viên tin, ảnh được chia thành từng tốp, được hướng dẫn, gợi ý về chủ đề, mỗi người được phát một bản đồ về đô thành Sài Gòn có đánh dấu vị trí quan trọng của địch và hướng dẫn đường đi ngắn nhất từ các hướng tới thẳng Dinh Độc Lập.
Ngày 2/4/1975, một đoàn gồm các phóng viên Văn Bảo, Lam Thanh, Phạm Vỵ, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Hữu Chí, kỹ sư vô tuyến Phạm Lộc, điện báo viên Cao Xuân Tâm cùng ba lái xe Phí Văn Sửu, Phạm Văn Thu, Đào Trọng Vĩnh do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu, vào chiến trường để phối hợp với Thông tấn xã Giải phóng đưa tin, ảnh về chiến thắng của quân và dân ta.
Ngày 9/4/1975, đoàn vào tới căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng. Cuộc gặp mặt với Giám đốc Trần Thanh Xuân cùng anh em cán bộ, phóng viên, công nhân viên Thông tấn xã Giải phóng tại căn cứ vô cùng xúc động, tay bắt mặt mừng không nói nên lời.
Ngày 29/4/1975, từ căn cứ “R" (tỉnh Tây Ninh), Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân thực hiện lệnh “thần tốc", dẫn đầu đoàn phóng viên, nhân viên kỹ thuật hành quân tiến gấp về Sài Gòn để chứng kiến và ghi lại giờ phút lịch sử: Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, Chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng trong việc đưa tin chiến thắng hàng ngày, vạch trần âm mưu, tội ác và sự ngoan cố của địch, đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với khẩu hiệu: “Làn sóng điện không bao giờ tắt” trong bất cứ tình huống nào dù đang chống càn hay trên đường di chuyển căn cứ, cán bộ nhân viên Thông tấn xã Giải phóng cùng với anh em phóng viên Việt Nam Thông tấn xã vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt.
Trong những trận đánh lớn, ngay khi tiếng súng vừa dứt, bộ đội còn trên đường hành quân chưa về tới căn cứ, tin của Thông tấn xã Giải phóng đã kịp được phát đi, Đài phát thanh Giải phóng đã loan tin chiến thắng, làm nức lòng quân dân cả nước.
Từ khi nhiều cứ điểm ở chiến trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ lần lượt được giải phóng, Nhà báo Hoàng Đình Chiến lúc đó là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng bám sát Phòng Tuyên huấn Bộ Chỉ huy Miền, liên tục viết các tin, bài bình luận về diễn tiến chiến sự hàng ngày.
Khi Xuân Lộc được giải phóng và nhận được thông tin “Một phi công ngụy phản chiến sau khi lái máy bay F.5 ném bom Dinh Độc Lập và kho xăng Nhà Bè, anh đã hạ cánh an toàn xuống vùng giải phóng”, Nhà báo Hoàng Đình Chiến đang ở Tà Thiết (Lộc Ninh, Bình Phước) nhận được chỉ đạo phải viết nhanh bài bình luận “Một hành động yêu nước, thức thời”. Nhà báo Hoàng Đình Chiến miêu tả công việc của người chiến sỹ trên mặt trận thông tin trong những ngày miền Nam rực lửa: Lúc đó, tôi hoàn toàn tin rằng Nguyễn Thành Trung là phi công ngụy phản chiến thứ thiệt nên rất muốn đi Phước Long để xem mặt mũi ra sao và cũng định ghi chép tài liệu làm vốn sau này. Nhưng “quân lệnh như sơn”, tôi phải ngồi ngay vào bàn và hai tiếng sau mang bản thảo lên phòng Thượng tá Ngô Thế Kỷ. Ông đọc một lèo, cầm viết xóa xóa, gạch gạch rồi lệnh điện báo hỏa tốc. Chiều hôm đó, khi bản tin được đọc trên sóng phát thanh, Thượng tá Ngô Thế Kỷ đã đưa cho tôi bao thuốc lá Thăng Long với lời khen: "Cậu khá lắm!”.
Háo hức vào trận
Ngay sau khi chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực về nhân sự, trang thiết bị phục vụ cho chiến dịch giải phóng miền Nam theo chỉ đạo của Trung ương, nhất là sự chi viện có hiệu quả của Việt Nam thông tấn xã, tập thể lãnh đạo và phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng bước vào trận với tinh thần háo hức, sẵn sàng lên đường khi có lệnh.
Nhớ lại những ngày tháng chuẩn bị cho chiến dịch, Nhà báo Nguyễn Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng cho biết: Sáng 6/4/1975, sau khi giao ban tin, Giám đốc Trần Thanh Xuân triệu tập năm anh em chúng tôi gồm Nguyễn Thanh Bền - phóng viên tin (B7/3), Trần Thiêm - phóng viên ảnh (B22), Đỗ Sĩ Mến, Phạm Trọng Tiệp là hai báo vụ viên và Nguyễn Văn Chức - kỹ thuật viên (B8). Tại phòng làm việc của Giám đốc, các đồng chí Đỗ Văn Ba (Phó Giám đốc), Võ Duy Thu, Lê Quang Nghĩa (Đảng ủy cơ quan) đã có mặt. Giám đốc Trần Thanh Xuân nhắc lại chiến thắng quan trọng có tính chất đột phá của bộ đội ta ở Buôn Mê Thuật và những chiến công tiếp theo. Tình hình chiến sự trở nên khẩn trương. Cùng với các tiểu ban của Ban Tuyên huấn, cơ quan ta thành lập tổ Thông tấn xã Giải phóng đầu tiên xuống đường gồm 5 đồng chí có mặt ở đây, do đồng chí Thanh Bền phụ trách có nhiệm vụ, đưa tin, ảnh kịp thời về Tổng xã, cổ vũ mạnh mẽ quân dân miền Nam tiến tới giải phóng Sài Gòn.
Nói về nhiệm vụ đặc biệt này, Nhà báo Nguyễn Thanh Bền bồi hồi: Nghe bốn tiếng “Giải phóng Sài Gòn” lòng chúng tôi trào dâng cảm xúc muốn nghẹt thở - niềm ước mơ mấy mươi năm nay đã thành hiện thực - sung sướng tự hào quá “bất ngờ”. Mới nhận lệnh mà năm anh em chúng tôi thấy người nhẹ nhõm, muốn “bay” đi liền. Quen tác phong chiến trường, sáng hôm sau chúng tôi lên đường bằng xe cơ quan mới tải hết máy móc, điện đài, lương thực, đồ nghề của chúng tôi đến tập trung tại trạm của giao liên của đồng chí Năm Đông ở Xa Mát – Tân Biên. Cả cơ quan lưu luyến tiễn đưa.
Kể về những ngày cả miền Nam hừng hực khí thế giải phóng, Nhà báo Hoàng Đình Chiến ví von: Việc rong ruổi theo các đơn vị tác chiến để thông tin tình hình chiến sự chính là món “khoái khẩu” của những phóng viên chiến trường thời đó. Khi chiến dịch Phước Long nổ ra, tôi đang làm nhiệm vụ biệt phái tại Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng Miền đã cùng một tổ phóng viên báo Quân Giải phóng nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ thông tin, khai thác các chi tiết của cuộc tiến công có một không hai sau Hiệp định Paris ở chiến trường Nam Bộ.
Tiến về về Sài Gòn
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy thần tốc của quân và dân ta, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng luôn sát cánh bên nhau trên từng mũi tiến quân; cùng có mặt tại các trận đánh, trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; có mặt ở tất cả các địa phương. Có phóng viên còn cung cấp bản đồ Sài Gòn cho các chiến sỹ Sư đoàn 304, giúp Sư đoàn và Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn nhanh chóng. Hành quân đến đâu, điện báo viên lại căng ăng ten, mở đài, liên lạc với Tổng xã ở Hà Nội và điện tin, bài viết vội trên đường tiến quân, sau đó lại tháo gỡ ăng ten, mang máy móc tiếp tục theo bộ đội tiến vào sào huyệt địch.
Với Nhà báo Hoàng Đình Chiến, ngày 29/4/1975 có lẽ là một trong những dấu ấn khó quên nhất trong cuộc đời làm phóng viên chiến trường. Ông kể: "Sáng hôm ấy, có tới vài trăm chiếc xe, xe nào cũng cắm cờ nửa đỏ nửa xanh, từ căn cứ Tà Thiết hùng dũng lên đường. Một ba lô đựng hai bộ quần áo, mũ cối với ngôi sao nửa đỏ nửa xanh và quân hiệu trên ve áo, tôi thấy mình đúng nghĩa là một sỹ quan Quân Giải phóng đang chuẩn bị tiến vào Sài Gòn. Điều này có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng được".
“Trên xe, chúng tôi hát vang bài “Tiến về Sài Gòn”: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù, tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô”. Đang hát, tất cả im bặt khi giọng nói của phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam vang lên từ chiếc radio của anh lái xe: Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam quyết định lấy tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng bào và chiến sỹ hãy thần tốc, thần tốc tiến lên!”, Nhà báo Hoàng Đình Chiến nhớ lại.
Nhà báo Hà Huy Hiệp, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, kể lại: Đến 29/4/1975, tôi lại là điện báo viên teletype duy nhất của Thông tấn xã Giải phóng được lệnh lên đường trong đoàn do Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng Trần Thanh Xuân đẫn đầu đi tiếp quản Sài Gòn. Chiều 30/4/1975, đoàn đã có mặt tại 116 Hồng Thập Tự, trụ sở của Việt tấn xã của chính quyền Sài Gòn.
Trong bộn bề công việc của những ngày đầu giải phóng, các anh chị bên kỹ thuật đã khẩn trương lắp đặt máy móc thiết bị để một thời gian ngắn sau đó, các dòng tin của Thông tấn xã Giải phóng lại được tiếp tục truyền đi bằng teletype trên đất Sài Gòn chuyển ra Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội.(Còn tiếp)
Hoàng Tuấn - Xuân Anh