55 năm Chiến tích làng K130: Anh dũng thời chiến, tiên phong thời bình

iết mục nghệ thuật diễn xướng dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tái hiện câu chuyện người dân Làng K130 dỡ 130 ngôi nhà lát đường xe ra tiền tuyến. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
iết mục nghệ thuật diễn xướng dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tái hiện câu chuyện người dân Làng K130 dỡ 130 ngôi nhà lát đường xe ra tiền tuyến. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Về Can Lộc (Hà Tĩnh) những ngày tháng Bảy, cùng với huyền thoại 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, câu chuyện về ngôi làng K130 dỡ nhà, lát đường cho xe ra tiền tuyến vẫn được bà con nhắc, nhớ như biểu tượng sáng ngời về ý chí, tinh thần của người dân Hà Tĩnh. Làng K130 (trước đây thuộc xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc), nay là tổ dân phố K130 (thị trấn Nghèn) đang tiếp tục phát huy tinh thần anh dũng thời chiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

55 năm Chiến tích làng K130: Anh dũng thời chiến, tiên phong thời bình ảnh 1Tiết mục nghệ thuật diễn xướng dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tái hiện câu chuyện người dân Làng K130 dỡ 130 ngôi nhà lát đường xe ra tiền tuyến. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

* Dỡ nhà lát đường cho xe ra tiền tuyến

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Can Lộc là trọng điểm đánh phá ác liệt. Những địa danh như: Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, cầu Nhe, cung đường 21, cống 19... đã trở thành những “tọa độ lửa”. Nhiều tuyến đường như Quốc lộ 1A, đường 15A… bị bom Mỹ đánh phá ác liệt, nhiều đoạn đường tắc nghẽn phải chờ thông tuyến.

Làng K130 trước đây nằm giữa ba bề ruộng nước, địa hình thấp trũng, lầy lội nên được gọi là Hạ Lội. Làng nằm sát cầu Già, Quốc lộ 1A; đồng thời là điểm giao thông huyết mạch giữa hai con đường sông - bộ. Xác định được tầm quan trọng của vị trí này, đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng hòng chặn đứng huyết mạch giao thông của quân và dân ta trên đường chi viện cho miền Nam. Để thực hiện dã tâm đó, trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc, trong đó có làng Hạ Lội gần 19 ngàn quả bom, 1.522 quả rốc két, làm 57 người chết, 151 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Vào những tháng cuối năm 1968, máy bay địch bắn phá ác liệt, đường 1A bị tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị phá hủy hoàn toàn. Trước tình hình đó, cấp trên chỉ thị phải mở ngay một con đường để xe qua phà vượt sông tránh đường 1A đoạn từ cống Cổ Ngựa đến cầu Già. Làng Hạ Lội là nơi cần phải mở đường.

Nhận được chỉ thị của cấp trên, bà con làng Hạ Lội trên dưới một lòng sẵn sàng dỡ nhà lát đường cho xe qua với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”. Ngay trong đêm 13/8/1968, cùng với sự giúp sức của các lực lượng dân quân và nhân dân xã Tiến Lộc, 130 ngôi nhà, một ngôi miếu, 4 nhà thờ họ và hai hợp tác xã được dỡ xuống. Đoạn đường dài 1,2 km qua làng Hạ Lội cơ bản hoàn thành.

Nhiều câu chuyện, tấm gương được kể lại về tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt” của người dân làng Hạ Lội lúc bấy giờ. Điển hình như: cụ bà Đinh Thị Trí có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, sống một mình. Năm ấy, bà Trí 69 tuổi, gom góp mãi mới mua được cỗ quan tài hậu sự. Trước cuộc họp, bà Trí thẳng thắn: “Tôi chỉ có cỗ hậu sự là đáng giá, tôi xin xung phong hiến cỗ hậu sự của mình để làm ván kê cho xe qua những đoạn lầy lội”. Ông Nguyễn Chương, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Kiểm soát hợp tác xã Trường Giang bày tỏ: “Cách mạng cần, chúng ta về dỡ nhà làm đường thôi”.

Đến 3 giờ ngày 14/8/1968, chiếc xe đầu tiên bắt đầu chuyển bánh trên đường mới hoàn thành xuống phà và qua sông an toàn trong niềm vui mừng, xúc động của quân và dân làng Hạ Lội. Từ đêm đó trở đi, từng đoàn xe vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến an toàn, không còn sa lầy, ùn tắc như trước. Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, hàng ngày, người dân Hạ Lội dùng cây tre ngụy trang con đường huyết mạch, tối đến lại cất giấu ngụy trang. Cứ như vậy, con đường qua làng Hạ Lội được đảm bảo an toàn cho đến ngày ngừng bắn.

Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của nhân dân làng Hạ Lội, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đặt tên cho làng Hạ Lội thành làng Văn hóa chiến tích K130. Làng K130 vinh dự được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 2006.

* Tiên phong, gương mẫu trong thời bình

Sau khi xã Tiến Lộc sáp nhập với thị trấn Nghèn, Làng K130 nay là tổ dân phố K130 có 330 hộ với hơn 1.400 nhân khẩu (thuộc thị trấn Nghèn). Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, người dân nơi đây luôn hăng hái, tiên phong đi đầu trong mọi chủ trương của Đảng, xây dựng quê hương đẹp giàu.

Đời sống người dân K130 đang ngày một khởi sắc. Kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đến 1%.

Bí thư Chi bộ tổ dân phố K130 Nguyễn Văn Tiến chia sẻ, thực hiện các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn trước và nay là xây dựng đô thị văn minh, người dân tổ dân phố K130 đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, ngày công, phá dỡ hàng rào để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, xây dựng kênh mương, bồn hoa, cây cảnh. Nhờ đó, K130 đã trở thành một trong 4 tổ dân phố đầu tiên của thị trấn Nghèn và huyện Can Lộc đạt Tổ dân phố văn minh vào năm 2021.

Tinh thần của người dân Làng K130 xưa vẫn được tiếp nối trong việc thực hiện các phong trào chung. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến gần 100 m2 đất và phá dỡ tường bao như hộ: ông Phạm Tiến Vóc, Phan Văn Nhân, Nguyễn Thiện, Nguyễn Văn… Ông Hoàng Bá Anh, Bí thư Đảng bộ thị trấn Nghèn cho biết, phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, người dân tổ dân phố K130 đã gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Nghèn xây dựng địa phương thành đô thị văn minh, đáng sống.

Nhằm xây dựng nơi dây trở thành một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, huyện Can Lộc đã tiến hành xây dựng Khu Di tích làng K130 với các hạng mục công trình gồm: nhà truyền thống, hạ tầng kỹ thuật, hàng rào, khuôn viên, cây xanh. Công trình sẽ được khánh thành ngay trong tháng 7/2023 nhân kỷ niệm 55 năm Chiến tích làng K130.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm