Cách đây nửa thế kỷ (24/6/1967-24/6/2017), Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện chính trị trọng đại này đã thúc đẩy tăng cường đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia.Bài 1:Bối cảnh thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về vị trí địa lý, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế. Dân tộc Campuchia có nền văn minh Angkor huy hoàng, dân tộc Việt Nam có 4.000 năm văn hiến. Nhân dân hai nước đều là nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của chế độ Campuchia Dân chủ diệt chủng, nên khát khao, quý trọng hòa bình, mong muốn giữ mãi tình hữu nghị quý báu của hai dân tộc và nhân dân hai nước.
Ký tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Heng Samrin tới Việt Nam, ngày 22/8/1979. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Điểm lại bối cảnh thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia, cần bắt đầu từ sự kiện Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam và Đông Dương. Mở đầu quá trình xâm lược, năm 1858, thực dân Pháp đặt chân lên cửa biển Đà Nẵng, Việt Nam. Sau khi đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ (Việt Nam), thực dân Pháp tiến hành xâm lược Campuchia và ngày 11/8/1863 ký với Campuchia Hiệp ước đặt nước này dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp. Thành lập Liên bang Đông Dương từ ngày 17/10/1887, thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa và chia để trị. Thực dân Pháp đã chia Đông Dương thành 05 xứ, trong đó chia Việt Nam thành 03 xứ gồm Nam Kỳ, Trung kỳ và Bắc Kỳ. Việc thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương càng làm cho nhân dân ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam thêm đoàn kết chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân mỗi nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Norodom Phurisara, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Campuchia sang thăm Việt Nam (10/1/1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Phong trào kháng chiến của nhân dân Đông Dương chống thực dân Pháp đã chuyển sang giai đoạn mới với sự kiện chính trị trọng đại, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sự hỗ trợ của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập ngày 03/02/1930. Từ đây, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp của nhân dân Đông Dương nói chung, của nhân dân Việt Nam và Campuchia nói riêng nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều hơn của phong trào công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập từ ngày 02/9/1945, nhân dân Campuchia cũng giành được nhiều thắng lợi quan trọng, buộc thực dân Pháp phải có nhiều nhượng bộ. Tuy nhiên, thực dân Pháp vẫn ráo riết triển khai nhiều thủ đoạn quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao đối với Đông Dương nhằm thực hiện âm mưu khôi phục địa vị cai trị. Trong bối cảnh đó, quân và dân hai nước Việt Nam-Campuchia lại tiếp tục kề vai sát cánh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Đánh giá sự trưởng thành của đội ngũ đảng viên và các Đảng bộ trực thuộc, Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 2 (tháng 02/1951), quyết định thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Lao động Việt Nam. Từ đó, nhân dân ba nước Đông Dương tiếp tục hỗ trợ nhau cùng chiến đấu và giành được nhiều thắng lợi to lớn, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đón Quốc trưởng Campuchia Samdech Norodom Sihanouk sang thăm chính thức Việt Nam (26/5/1970). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Sau Hiệp định Genève, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đông Dương, Mỹ nhảy vào thay chân thực dân Pháp, áp đặt chế độ thực dân kiểu mới. Lúc này, nhân dân ba nước nói chung và nhân dân Việt Nam, Campuchia nói riêng lại tiếp tục kề vai sát cánh, đoàn kết cùng đấu tranh bảo vệ những thành tựu quan trọng đã giành được. Việt Nam ủng hộ chính sách hòa bình, trung lập của Campuchia dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Norodom Sihanouk, thúc đẩy củng cố tình đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương, tiếp tục đấu tranh giành và giữ độc lập. Năm 1965, ba nước tổ chức Hội nghị cấp cao Nhân dân Đông Dương. Campuchia dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Norodom Sihanouk chính thức công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ lãnh đạo và hai nước Việt Nam-Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/6/1967. Sự kiện này được nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia cũng như bạn bè quốc tế tiến bộ hoan nghênh, đánh giá cao. Trong trao đổi điện mừng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ hòa bình Đông Dương và Đông Nam Á”.
Quốc trưởng Campuchia Samdech Norodom Sihanouk thăm Câu lạc bộ Thiếu niên Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (26/1 - 9/2/1971). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Nhằm giữ gìn và khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước, lúc sinh thời, Quốc vương Norodom Sihanouk thường nhắc lại những kỷ niệm đẹp với lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ. Đặc biệt là kỷ niệm ông đã dẫn đầu Đoàn cấp cao Campuchia mang vòng hoa đẹp nhất tới Hà Nội kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ trần vào năm 1969./.
Trần Văn Thông
Bài 2: Vượt qua thử thách, thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN