20 năm vượt khó của Vũ Quang - huyện miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới

20 năm vượt khó của Vũ Quang - huyện miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới

Là huyện miền núi, biên giới khó khăn, sau 20 năm thành lập, Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã bứt phá ngoạn mục và ghi dấu ấn khi trở thành huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả ấn tượng này là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự chung sức, đồng lòng của người dân Vũ Quang trong suốt hành trình 20 năm thành lập huyện và 10 năm phấn đấu trở thành một miền quê đáng sống…

Cán bộ đi trước, "lấy sức dân để lo cho dân"

Huyện Vũ Quang được thành lập năm 2000, từ những xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Trước năm 2020, huyện Vũ Quang có 12 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 11 xã và 1 thị trấn); cuối năm 2019, thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện còn 9 xã và 1 thị trấn; dân số trung bình toàn huyện năm 2019 có 9.099 hộ với 28.485 nhân khẩu, chủ yếu là người Kinh và 337 khẩu dân tộc Lào.

Bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Vũ Quang phải đối mặt với không ít khó khăn, thiếu thốn như: Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và xuống cấp, kinh tế chậm phát triển, chủ yếu sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc vào thiên nhiên, thu nhập người dân thấp nhất toàn tỉnh, bình quân đạt 9,12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 45,85%). Đến cuối năm 2010, trung bình chỉ đạt 2,1 tiêu chí/xã; chưa có xã đạt trên 4 tiêu chí.

20 năm vượt khó của Vũ Quang - huyện miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 1Các Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, cụm dân cư, tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh”. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Thị Hà Tân bày tỏ: "Đảng bộ và nhân dân huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo nông thôn mới của huyện luôn theo phương châm: chọn việc dễ, đối tượng tích cực làm trước; việc khó, đối tượng khó vận động, khó nguồn lực làm sau. Đặc biệt, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, thực hiện trước của cán bộ, đảng viên, đó là cơ sở để tuyên truyền, vận động quần chúng, nhân dân hưởng ứng và thực hiện với phương châm "lấy sức dân để lo cho dân".

Huyện Vũ Quang đã huy động các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu các thôn; điều động, tăng cường cán bộ chủ chốt đối với những đơn vị khó khăn về công tác cán bộ; có 5/10 xã thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, 16 thôn thực hiện mô hình Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn.

Đặc biệt, phong trào "Ngày thứ Bảy vì nông thôn mới", khi cán bộ từ cấp huyện, xã đến thôn xóm xuống cơ sở, "xắn tay, lội ruộng" cùng đảm nhận những phần việc khó đã khích lệ và huy động sự tham gia sôi nổi của người dân. Nhân dân đã cùng đóng góp 1.426.000 ngày công lao động, hiến 640.400 m2 đất và huy động hàng chục tỷ đồng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Về Vũ Quang, không khó để bắt gặp những cán bộ cơ sở tiên phong gương mẫu về phát triển kinh tế, hiến đất hiến đường để xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Xuân Thê, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Lĩnh chia sẻ: Cán bộ muốn dân tin thì phải gương mẫu làm trước, tại xã Đức Lĩnh, 100% cán bộ công chức xã đều có vườn mẫu cho thu nhập. Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, cán bộ còn là hạt nhân trong việc xây dựng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp, văn minh ở khu dân cư mình ở.

20 năm vượt khó của Vũ Quang - huyện miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 2Điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, được xây dựng bằng nguồn đóng góp từ nhân dân. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Với người dân xã Đức Lĩnh, Bí thư, Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Thê không chỉ nói hay mà còn làm giỏi. Ngoài giống cam chủ lực trên địa bàn, năm 2014, ông Thê là người đã tiên phong đưa các giống bưởi như bưởi da xanh, bưởi Diễn về trồng tại xã Đức Lĩnh. Bên cạnh 2 ha vườn trồng cam, gia đình ông Thê trồng thêm 90 gốc bưởi, cho thu nhập của mô hình mỗi năm gần 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của cây bưởi, đến nay toàn xã Đức Lĩnh đã có khoảng 50 ha bưởi các loại.

Xây nên những miền quê đáng sống

Là người luôn dõi theo hành trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Nguyễn Minh Hà (thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh) không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt khi chia sẻ về những thành tựu của quê hương. Ông Hà kể, nếu như trước khi xây dựng nông thôn mới, đi khắp Vũ Quang không có đường nhựa, đường bê-tông, thì nay ô tô đã có thể "bon bon" đường nhựa vào tận những địa bàn sâu, xa nhất. Trước đây khắp các vùng đồi núi, phủ đầy là gỗ tạp và cỏ dại thì nay bị "thế chỗ" bởi những đồi cam, bưởi xanh mướt, mỡ màng. Đời sống người dân đang từng ngày đi lên kể từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

20 năm vượt khó của Vũ Quang - huyện miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 3Khu sinh hoạt chung của Cụm dân cư số 1, thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh được xây dựng theo mô hình cụm dân cư “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh”. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Vũ Quang là các Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, cụm dân cư, tuyến đường "sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh" đã trở thành phong trào rộng khắp trong Nhân dân. Toàn huyện đã có 54/73 thôn đạt khu dân cư mẫu, gần 1.000/6.363 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu, 20 cụm dân cư và 35 tuyến đường mẫu được xây dựng; hàng nghìn vườn hộ được cải tạo, chặt bỏ cây tạp và thay thế bằng các cây, con có giá trị kinh tế; hàng trăm tuyến đường, khuôn viên nhà văn hóa, sân thể thao, vườn hộ gia đình được phủ xanh bằng hệ thống hàng rào xanh, cây bóng mát, tạo nên những miền quê trù phú, an lành.

Theo chân cán bộ nông thôn mới huyện Vũ Quang, đến thăm Cụm dân cư số 1, thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh, được xây dựng theo mô hình cụm dân cư "sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh", chúng tôi thực sự ấn tượng bởi cảnh quan nông thôn trù phú, an lành, ấm tình làng nghĩa xóm nơi đây. Cụm có 5 hộ gia đình chung sống đoàn kết, không có hàng rào cứng ngăn cách giữa mỗi hộ mà thay vào đó là những hàng rào hoa rực rỡ, hay dãy chè mạn hảo manh mướt. Tại khu vực sinh hoạt chung ở dưới bóng cây có ghế đá, xích đu, là nơi các cháu thiếu nhi vui đùa mỗi sáng, hàng xóm râm ran bên ấm nước chè xanh.

Bí thư Chi bộ thôn Cừa Lĩnh Nguyễn Văn Nghị chia sẻ: "Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện Vũ Quang về xây dựng các cụm dân cư "sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh", sau khi họp và được sự đồng thuận nhất trí của Nhân dân, thôn bắt tay vào thực hiện ngay. Thời điểm tháng 6 năm 2020, thời tiết oi bức, nắng như đổ lửa, người dân chúng tôi chong đèn làm cả đêm. Tại cụm dân cư số 1 đã xây dựng xong tuyến đường giữa các hộ bằng bê tông rộng 1,2 mét, dài hơn 300 mét với các hàng rào xanh. Từ khi xây dựng mô hình này, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, vui vẻ hơn".

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới không chỉ làm diện mạo nông thôn Vũ Quang đổi mới, văn minh hơn mà đời sống người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Địa phương đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp; xây dựng và phát triển thương hiệu những sản phẩm có lợi thế của địa phương nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

Đến nay, huyện Vũ Quang đã xây dựng 1.845 mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 16 mô hình trang trại chăn nuôi lợn quy mô trên 600 con/lứa; thành lập 155 tổ hợp tác và 53 hợp tác xã; đã xây dựng thành công và phát triển thương hiệu Cam Vũ Quang, Mật ong Vũ Quang, có 105 tổ hợp tác cam với diện tích 760 ha đạt tiêu chuẩn; có 11 sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người của huyện Vũ Quang tăng từ 9,12 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 39,68 triệu đồng/người/năm (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45,85% xuống còn 4,64% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo nông thôn mới của 9 xã là 1,38%).

Chia sẻ niềm vui khi huyện Vũ Quang vừa chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Thị Hà Tân bày tỏ: "Quả ngọt" này là công sức của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, là dấu ấn đặc biệt sau 20 năm thành lập Huyện. Kế thừa thành tựu đó, chúng tôi cũng xác định và nêu cao tinh thần "Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài và không có điểm dừng". Thời gian tới, Vũ Quang tiếp tục ưu tiên nguồn lực để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp; xã hội hóa mạnh mẽ đầu tư, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển thương mại dịch vụ và du lịch; đầu tư đồng bộ, hiện đại cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân.

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm