Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: moha.gov.vn |
Sáp nhập 2-3 xã vẫn không đạt hai tiêu chí Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về tổ chức bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cải cách chế độ công vụ, công chức… Toàn ngành đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Bộ Nội vụ đã tập trung hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Đến nay, theo báo cáo của 61 địa phương (còn Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ chưa báo cáo), số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là 20/713 đơn vị (trong số 20 huyện phải sắp xếp, có 3 huyện đảo là Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ không phải sắp xếp vì nằm biệt lập); số lượng cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là 623/11.160 xã. Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cho biết, Thành phố đang triển khai xây dựng đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 theo chỉ đạo của Trung ương, những đơn vị không đạt 50% cả 2 tiêu chí là dân số và diện tích sẽ sắp xếp trong giai đoạn trước mắt. Thực tế, khi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, tiến độ có chậm so với quy định do trong quá trình triển khai xây dựng đề án còn có nhiều vướng mắc, đặc biệt là tâm lý của các địa phương. "Đặc điểm của Thành phố Hồ Chí Minh là diện tích nhỏ, dân số đông. Nếu căn cứ vào tiêu chí về diện tích, rất nhiều đơn vị sẽ không đạt, do đó, việc triển khai sắp xếp đối với giai đoạn 1 là những đơn vị không đạt 50% cả hai tiêu chí thì nhập 2-3 đơn vị hành chính lại cũng không đủ diện tích, thậm chí có những quận diện tích chỉ khoảng 500 hecta, tức là khoảng 5 km2 và nếu theo tiêu chí về diện tích, cả quận đó nhập lại chỉ bằng một phường", ông Trương Văn Lắm bày tỏ. Theo ông, Thành phố sẽ trình và báo cáo với Bộ Nội vụ 2 phương án. Phương án thứ nhất, sắp xếp theo đúng quy định là nhập 3 phường lại với nhau, nhưng cũng không đảm bảo được về diện tích (nghị quyết cho phép nếu nhập ba đơn vị hành chính thì không xem xét về yếu tố diện tích). Phương án thứ hai là yếu tố đặc thù, nhập hai phường lại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn cho hay, tỉnh có 143 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp, sau khi sắp xếp còn 63 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, toàn tỉnh sẽ còn 559 đơn vị hành chính cấp xã gồm 469 xã, 34 phường và 29 thị trấn, giảm 11,96% so với hiện nay. "Trong đề án có một số xã có tiêu chí đặc biệt, do đó khi sáp nhập hai đơn vị với nhau vẫn có 6 đơn vị không đạt hai tiêu chí 50%", bà Lê Thị Thìn thông tin. Sau sắp xếp, Thanh Hóa có 1.308 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, trong đó dự kiến bố trí cho các đơn vị cấp xã còn thiếu 555 cán bộ, công chức, cấp huyện là 147 người, làm công chức ở đơn vị sự nghiệp 10 người, về hưu trước tuổi và thực hiện tinh giản là 596 người. Có 1.199 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp. Kinh nghiệm được lãnh đạo địa phương này đưa ra là thông tin tuyên truyền kịp thời, rộng rãi trong cán bộ, cử tri và nhân dân. Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, các xã sáp nhập cũng ở huyện miền núi, trình độ, năng lực hạn chế, nên trong kế hoạch phải rất cụ thể. "Việc sắp xếp cán bộ phải tổ chức hết sức khách quan, công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ cấp xã, bảo vệ quyền lợi của các đối tượng. Kể cả khi ban hành chính sách cũng phải lấy ý kiến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp huyện, thậm chí tham vấn ý kiến của MTTQ liên quan đến quyền lợi của người lao động", Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chia sẻ. Ngay cả tên gọi của các xã mới sáp nhập, tỉnh này cũng thực hiện rất cẩn trọng, định hướng để các xã tự lựa chọn tên, đưa ra lấy ý kiến để có được sự đồng thuận trong nhân dân. Thanh Hóa gắn việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã với việc ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương. Các ngành, các cấp đều vào cuộc, nắm tình hình rất sát. Khi xây dựng đề án xong, còn ý kiến khác nhau, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tình hình cụ thể. Có nơi, hơn 70% cử tri đồng thuận nhưng UBND tỉnh vẫn gặp gỡ lại xã, thôn để nắm tình hình và truyền thông trong nhân dân. Vì vậy, có nơi đạt 100% cử tri đồng thuận. Đề cập đến việc sắp xếp các tổ dân phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết, đây là vấn đề lớn, lâu dài, cần có nghiên cứu một cách đầy đủ, thấu đáo để xử lý toàn diện và triệt để trong thời gian tới. Theo ông, cần phải làm rõ mô hình tổ dân phố, thôn tính chất chính quyền và tính chất tự quản của người dân đến đâu. Nếu xác định được một cách căn cơ cơ sở khoa học của vấn đề, sẽ có cách ứng xử phù hợp. "Nếu phần nhiều là tính chất tự quản của người dân thì sự "can thiệp" của chúng ta vào đây có mức độ. Ở đây, hoạt động dân chủ là dân chủ đại diện hay dân chủ trực tiếp, vì nếu một tổ dân phố 250 hộ, ở thôn 300 hộ thì rất ít nơi có đủ điều kiện để mời tất cả mọi người đến họp. Về lâu dài cần có suy nghĩ, nghiên cứu thấu đáo để xử lý", ông Nguyễn Xuân Bình đặt vấn đề.42 tỉnh, thành thuộc diện sắp xếp Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho biết, các địa phương đã tích cực, chủ động trong việc triển khai các Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã. Bộ Nội vụ luôn nhận được sự quan tâm của các địa phương, đồng thời tham mưu kịp thời các văn bản để hướng dẫn. Theo thống kê, sẽ có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện sắp xếp, ngoài ra, có 4 tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La và Tây Ninh mặc dù không nằm trong diện này nhưng đã chủ động thực hiện sắp xếp. Đến nay, có 4 đơn vị hành chính cấp huyện đã có phương án sáp nhập, gồm 3 huyện của tỉnh Cao Bằng và một huyện của tỉnh Hòa Bình. Tỉnh Yên Bái sẽ điều chỉnh đơn vị hành chính của thị xã Nghĩa Lộ với huyện Văn Chấn để bảo đảm các tiêu chí theo quy định. Theo phương án của các địa phương, sẽ giảm được 539 đơn vị hành chính cấp xã. Các xã này sẽ sáp nhập với xã liền kề, đối tượng chịu tác động của sự sáp nhập là 1.026 đơn vị hành chính cấp xã – con số tương đối lớn. Ông Phan Văn Hùng đề nghị 14 địa phương chưa gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính về Bộ Nội vụ sớm gửi về để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạn cuối là 31/8/2019. Ông cũng lưu ý các địa phương làm tốt công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền đối với cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân khi lấy ý kiến cử tri, sắp xếp cán bộ. Các tỉnh chủ động lên phương án sớm trong việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm sự đồng thuận, chủ động trong sáp nhập. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng cán bộ, công chức viên chức khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Nhắc nhở về thời hạn chót phải gửi phương án, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng và sớm gửi các phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bởi trong khoảng thời gian ngắn phải thẩm định 20 huyện và 653 xã sẽ khó kịp tiến độ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp.
Chu Thanh Vân