Hiện trạng hồ chứa nước Kẻ Gỗ. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN |
Đây cũng là khu vực có 388 hồ chứa lớn (chiếm 55% cả nước), trong đó có 16 hồ chứa trên 100 triệu m3 (chiếm 73%) của cả nước. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện có 693 hồ hư hỏng, xuống cấp (chiếm 58% cả nước). Nhiều hồ chứa trong khu vực bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đầu mối của các hồ chứa không đủ khả năng chống lũ theo tiêu chuẩn hiện hành, nhất là các hồ chứa nhỏ.
Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, trong khu vực đã xảy ra 38 sự cố đập, hồ chứa trong tổng số 50 sự cố đập, hồ chứa trên cả nước (chiếm 76%). Riêng năm 2017, do ảnh hưởng của những trận mưa lớn liên tiếp đã xảy ra 16 sự cố đập, hồ chứa ở khu vực này trong tổng số 23 sự cố đập, hồ chứa trên cả nước (chiếm 70%).
Tại Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, vào cuối tháng 7/2018, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) Lê Văn Dương cho biết, hiện các hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành hồ chứa chưa đáp ứng được việc vận hành hồ theo thời gian thực.
Cán bộ quản lý hồ chứa nước Kẻ Gỗ đi kiểm tra các vị trí có hiện tượng hư hỏng. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN |
Các nội dung kiểm định an toàn đập, xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập, cắm mốc hành lang bảo vệ công trình cần kinh phí lớn vượt quá khả năng chi trả của các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa.
Bên cạnh đó, số lượng đập, hồ chứa bị hư hỏng lớn trong khi kinh phí đầu tư sửa chữa nâng cấp còn hạn chế; hồ sơ lưu trữ công trình bị thất lạc hoặc hư hỏng, nhất là các hồ chứa nhỏ xây dựng cách đây 30-40 năm hầu như không còn hồ sơ thiết kế công trình. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ hồ đập còn hạn chế và đã xảy ra nhiều vụ vi phạm về hành lang bảo vệ đập...
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong việc quản lý an toàn đập, theo ông Lê Văn Dương, cần xây dựng mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng trên khu vực các hồ chứa lớn, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa. Đặc biệt, các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, nơi các con sông dốc, ngắn, thời gian lũ lên nhanh thì việc xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc phục vụ dự báo vận hành hồ theo thời gian thực là rất cấp bách.
Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo năng lực quản lý, vận hành cho cán bộ công nhân quản lý hồ chứa; tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về an toàn đập, nâng cao nhận thức, khả năng ứng phó của người dân...
Theo Tổng cục Thủy lợi, đến nay, cả nước đã đầu tư sửa chữa được 633 hồ chứa các loại với tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1.200 hồ chứa đang bị hư hỏng. Vì vậy, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là đầu tư sửa chữa nâng cấp nâng cao khả năng chống lũ theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các hồ chứa lớn.
Hồ Cây Sung bị sạt lở và bồi lắng, sắp được nâng cấp. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN |
Đối với các hồ chứa nhỏ, tổ chức rà soát, ưu tiên sửa chữa nâng cấp các hồ bị hư hỏng nặng, thiếu khả năng xả lũ bằng vốn ODA, ngân sách Trung ương và địa phương.
Hiện đã có 450 hồ chứa đã đưa vào danh mục đầu tư trong dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) với tổng kinh phí 433 triệu USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 19 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên (từ Thanh Hóa-Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên) sửa chữa nâng cấp 47 hồ chứa với tổng kinh phí 287 tỷ đồng.
Đối với các hồ chứa hư hỏng nặng và thiếu khả năng xả lũ, trong khi chưa nhận được sửa chữa nâng cấp thì cần hạn chế hoặc không tích nước để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Hồng Thạch, Ban An toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, hàng năm, các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều lập phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du để trình Ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, việc xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du còn gặp nhiều khó khăn, bởi đa số các đập thủy điện (thủy lợi) chưa có bản đồ địa hình, phân bố dân cư vùng hạ du với tỷ lệ cần thiết phục vụ cho việc xây dựng phương án; khó xác định ranh giới vùng ảnh hưởng ở hạ du đập đặc biệt đối với nhiều đập của nhiều chủ đầu tư xây dựng trên cùng một lưu vực sông; chưa đồng bộ trong việc điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực cùng tham gia xả lũ.
Theo ông Nguyễn Hồng Thạch, việc tích nước các hồ thủy điện khu vực miền Trung-Tây Nguyên lên mực nước dâng bình thường vào cuối mùa lũ là rất quan trọng nhằm đảm bảo việc cung cấp nước hạ du và an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam vào mùa khô.
Vì vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương xem xét cho phép các hồ thủy điện tích nước sớm hơn theo tình hình thủy văn thực tế hoặc khi có nhận định mùa lũ kết thúc sớm hơn quy luật.
Lòng hồ Am Chúa bị bồi lắng, sắp được nạo vét. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN |
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kết hợp kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, công trình, thiết bị đóng mở ở đập tràn, nguồn điện diesel dự phòng, có đầy đủ số liệu thủy văn để vận hành hồ chứa.
Các đơn vị cũng rà soát quy chế phối hợp với các cấp chính quyền ở địa phương có liên quan, kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình nhằm đảm bảo xả lũ an toàn, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho hạ lưu khi xả lũ.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du theo quy trình vận hành liên hồ chứa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Văn Hòa cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy 330,2 MW.
Hiện nay, tỉnh đang thi công 7 thủy điện, với tổng công suất lắp máy 112,5 MW. Trước mỗi đợt lũ, Văn phòng thường trực phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thông báo cho thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh, Thành ủy, Huyện ủy, thành viên chủ chốt của UBND các xã, phường trọng điểm ngập lụt thông báo lệnh vận hành hồ chứa cho các địa phương và nhân dân biết trước 4 giờ để chủ động phòng tránh. Riêng thủy điện A Lưới thông báo trước 8 giờ khi vận hành điều tiết nước qua huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào)...
Theo ông Phan Văn Hòa, thực tế cho thấy, quy trình vận hành liên hồ chứa nước còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chất lượng hình ảnh từ camera giám sát không rõ nét ảnh hưởng đến việc chỉ đạo điều hành của cơ quan thẩm quyền trong việc đưa ra quyết định vận hành hồ chứa trong mùa lũ; việc phối hợp với chính quyền địa phương về thông tin tuyên truyền cho người dân vùng hạ du thủy điện chưa được chủ đập quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, do vị trí nhà máy thủy điện nằm ở vùng đồi núi, cách xa khu dân cư, các nhà máy chỉ lắp một cụm còi hụ tại đập chính nên thông tin cảnh báo không đến được rộng rãi với người dân. Hệ thống quan trắc lượng mưa khu vực thượng lưu các hồ chứa thủy lợi, thủy điện còn thưa; hệ thống thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du các hồ còn thiếu nên khi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành lệnh vận hành hồ chứa nước đến các huyện, thị xã và thành phố Huế thì việc truyền tải thông tin cấp huyện đến người dân còn mất nhiều thời gian.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ đập thủy điện xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập, các chủ đạp tăng cường bố trí đầy đủ vật tư dự trữ, nguồn điện dự phòng tại đầu mối để chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra. Xây dựng hệ thống đường công vụ an toàn, cầu vượt tại các ngầm tràn đường lên nhà máy thủy điện để ứng cứu khi có sự cố hồ chứa.