Nhân Ngày vì người nghèo 17/10:

Để người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản

Để người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản
Các doanh nghiệp, địa phương trao tiền ủng hộ ''Quỹ Vì người nghèo'' năm 2018 tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy – TTXVN
Các doanh nghiệp, địa phương trao tiền ủng hộ ''Quỹ Vì người nghèo'' năm 2018 tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy – TTXVN
Cải thiện mức độ tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người nghèo Giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về chuẩn nghèo dựa trên mức độ đo lường đơn chiều về thu nhập. Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống; hộ nghèo ở thành thị là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng. Việc xác định hộ nghèo được thực hiện theo phương pháp đo lường đơn chiều thông qua việc xác định, tính toán mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của các hộ gia đình. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phương pháp này chỉ phù hợp với giai đoạn đầu thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Công tác điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo ở một số nơi chưa đảm bảo theo đúng quy trình, chưa chặt chẽ, tính chính xác chưa cao. Trong một số trường hợp chưa xác định hoặc xác định chưa chính xác các khoản chi tiêu trong năm của hộ gia đình. Mức thu nhập bình quân đầu người/tháng đưa ra để xác định hộ nghèo đã không còn phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước.  Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã thực hiện một đánh giá về phương pháp xác định hộ nghèo không chỉ dựa vào thu nhập mà dựa vào mức độ tiếp cận các dịch vụ cơ bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Kết quả cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập cao hơn Hà Nội nhưng lại thấp hơn về mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội như: Y tế, nhà ở, nước sạch... của người dân. Tương tự, đồng bằng sông Cửu Long cao hơn đồng bằng sông Hồng về mức thu nhập, nhưng mức độ thiếu hụt các dịch vụ cơ bản lại nhiều hơn, đặc biệt là vấn đề tiếp cận nước sạch, giáo dục trẻ em, vệ sinh. Nếu đánh giá theo mức độ tiếp cận do UNDP đưa ra, đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước chứ không phải miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.   Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể "Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020" và Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, quy định rõ các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Với tiêu chí về thu nhập, Quyết định quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng. Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, Quyết định nêu rõ, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí, nhà vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Mức chuẩn nghèo trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020.  Cụ thể, việc xác định hộ nghèo sẽ dựa trên kết quả chấm điểm tài sản của hộ gia đình (thông qua mẫu phiếu B để tính điểm B1 - ước lượng thu nhập thông qua tài sản, B2 - xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản). Đây là phương pháp ước lượng thu nhập dựa trên cơ sở đánh giá 14 nhóm đặc điểm của hộ gia đình, trong đó có xem xét giá trị sử dụng tài sản của hộ gia đình liên quan đến tạo thu nhập (không đánh giá giá trị, nguồn gốc của tài sản). Việc quy định các chỉ tiêu, mức cho điểm để đánh giá tài sản, ước lượng mức thu nhập của hộ gia đình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dựa trên kết quả thống kê, khảo sát mức sống hộ gia đình của các vùng trên toàn quốc do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện. Các chỉ tiêu, mức điểm cho từng chỉ tiêu được Tổng cục Thống kê nghiên cứu, xây dựng chặt chẽ, khoa học, logic, dựa trên những yếu tố chung nhất của từng vùng, phù hợp với những đặc điểm cơ bản của các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn, dễ thực hiện và xác minh đúng thực trạng của hộ gia đình, khắc phục được những khó khăn khi thực hiện theo phương pháp cũ trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc thù, cá biệt, bộ công cụ và quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm chưa thể phản ánh đúng thực trạng của hộ gia đình, do đó cần đến sự tham gia của cán bộ cơ sở (cấp xã và thôn, bản...) và đại diện các hộ gia đình trên địa bàn trong quá trình thống nhất kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm tại cơ sở.   Theo số liệu về kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước, số hộ nghèo về thu nhập là 1,7 triệu hộ, tương ứng 7,47%/9,88% tỷ lệ hộ nghèo cả nước; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 573.270 hộ, tương ứng 2,41%/9,88% tỷ lệ hộ nghèo cả nước. Đến năm 2017, tổng số hộ nghèo là hơn 1,64 triệu hộ nghèo/24 triệu hộ dân, tương ứng 6,70% tổng số hộ dân. Các chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân đã có sự chuyển biến cơ bản. Cụ thể, thiếu hụt về giáo dục của người lớn đã giảm từ 19,61% (năm 2016) xuống còn 16,52% (cuối năm 2017). Tình trạng trẻ em được đi học, mức thiếu hụt từ 6,77% (năm 2016) đã giảm xuống còn 5,40% (năm 2017). Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, mức thiếu hụt là 6,2% (năm 2016) giảm xuống còn 5,03% (năm 2017). Bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người được cải thiện đáng kể. Về nước sạch vệ sinh, nguồn nước sinh hoạt thiếu hụt 21,21% (năm 2016) đã giảm xuống còn 17,71% (năm 2017). Việc tiếp cận thông tin thiếu hụt 21,25% (năm 2016) đã giảm xuống còn 17,47% (năm 2017). Từ kết quả đo lường mức độ thiếu hụt của người nghèo, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp tập trung chỉ đạo để cải thiện mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.  Tiếp tục hoàn thiện chính sách về nghèo đa chiều  Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, khẳng định việc xác định hộ nghèo theo phương pháp đo lường đa chiều có quy trình chặt chẽ hơn so với trước. Trước kia, việc chọn lựa hộ nghèo dựa trên bình xét của cộng đồng, mang tính cảm tính. Theo phương pháp xác định mới, cộng đồng dân cư trên địa bàn xã, phường sẽ tiến hành họp, cho ý kiến về việc kê khai nhận dạng hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trên địa bàn theo kết quả rà soát. Sau đó, danh sách này sẽ được gửi lên UBND xã/phường. UBND xã/phường có trách nhiệm niêm yết công khai danh sách hộ nghèo trên địa bàn phường trong thời gian 7 ngày làm việc (không kể ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật). Sau đó, danh sách này sẽ được chuyển lên UBND huyện/quận để tiếp tục niêm yết công khai. UBND xã là nơi quyết định danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về danh sách này. Các bộ, ngành liên quan sẽ tăng cường kiểm tra công tác này để bảo đảm tránh sai sót. Trên cơ sở Đề án và chuẩn nghèo đa chiều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành đang tiếp tục rà soát, đề xuất tích hợp, sửa đổi các chính sách giảm nghèo theo hướng gọn đầu mối theo dõi, quản lý chính sách, giảm dần hỗ trợ "cho không", tăng hỗ trợ cho vay có điều kiện, mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.   Quyết định 59/2015/QĐ-TTg quy định: "Căn cứ điều kiện và khả năng thực tế của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể bổ sung các chiều/chỉ số thiếu hụt, điều chỉnh ngưỡng đo lường các chỉ số thiếu hụt, áp dụng đầy đủ phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, nâng chuẩn nghèo thu nhập cao hơn chuẩn của quốc gia với điều kiện tự cân đối ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật để hỗ trợ các chính sách cho đối tượng nghèo, cận nghèo trên địa bàn do điều chỉnh, nâng chuẩn". Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra mức chuẩn thu nhập và chỉ số tiếp cận dịch vụ cao hơn so với chuẩn quốc gia; đồng thời bổ sung thêm các chuẩn đánh giá khác về dạy nghề, việc làm, việc sử dụng nước máy sạch. Bên cạnh đó, một số địa phương như Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã nâng mức chuẩn thu nhập lên cao hơn so với chuẩn quốc gia. Các thành phố như: Cần Thơ, Hải Phòng cũng đang chuẩn bị nâng mức chuẩn thu nhập lên cao hơn. Do phương pháp đo lường nghèo đa chiều mới được thực hiện, việc chuyển đổi hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều là quá trình chuyển đổi căn bản hệ thống chính sách, cần có lộ trình thời gian cụ thể, phù hợp với nền tảng hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành và khả năng cân đối ngân sách quốc gia.  Theo ông Ngô Trường Thi, trước đây, khi áp dụng phương pháp đo lường nghèo đơn chiều, chính sách được "cắt ngang", nghĩa là cứ hộ nghèo (hoặc hộ cận nghèo) sẽ được áp dụng chính sách như nhau. Nhưng hiện tại, phương pháp hỗ trợ chuyển sang xem xét người nghèo thiếu hụt mặt nào để hỗ trợ mặt đó. Việc chuyển đổi chính sách là một quá trình, không phải muốn đổi là đổi được ngay, đặc biệt là không được để gián đoạn chính sách. "Đất nước ta đã thực hiện chính sách giảm nghèo trên 30 năm qua, hiện nay việc chuyển đổi phương pháp đo lường mới được gần 3 năm, vì thế khó có thể đánh giá hiệu quả ngay. Để thực sự đo lường nghèo đa chiều là công cụ, phương pháp hữu hiệu trong thực hiện chính sách giảm nghèo, còn rất nhiều việc phải làm, không thể hoàn thiện ngay trong một thời gian ngắn" - ông Ngô Trường Thi nói.  Gần đây, ngày 31/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều, vì vậy cần có thời gian để tiếp tục thực hiện các nội dung này  Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, làm cơ sở để hoạch định hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Ngành sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất chính sách tập trung ưu tiên đầu tư cho các địa bàn, nhóm dân cư nghèo, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cả về chính sách và nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện chuyển biến rõ nét về đời sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; tạo sự liên thông về chính sách, bảo đảm sự công bằng giữa các nhóm đối tượng tiếp nhận sự trợ giúp của Nhà nước; tăng cường các hoạt động giám sát, đánh giá ở các cấp kể cả định kỳ và thường xuyên, nhằm bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra, có giải pháp chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong tổ chức thực hiện... 
Phúc Hằng

Có thể bạn quan tâm