Nỗ lực đào tạo, nâng tầm xiếc Việt

Nỗ lực đào tạo, nâng tầm xiếc Việt
Những tiết mục Xiếc đậm văn hóa Việt Nam được nhiều khán giả thích thú. Ảnh: baomoi.com
Những tiết mục Xiếc đậm văn hóa Việt Nam được nhiều khán giả thích thú. Ảnh: baomoi.com

Thu hút nhân tài… 

Xiếc là một loại hình nghệ thuật chuyên biệt. Tuổi nghề của diễn viên rất ngắn, mức độ rủi ro cao. Hơn nữa, yêu cầu tuyển chọn đào tạo lại ngặt nghèo trong khi đãi ngộ chưa tương xứng khiến không mấy diễn viên xiếc sống được bằng nghề. Vì vậy, việc tìm kiếm “đầu vào” để đào tạo xiếc là rất khó khăn, nhân tài xiếc lại càng thêm khan hiếm. Trong các kỳ tuyển sinh, những người làm công tác tuyển nguồn cũng như thí sinh đăng ký dự tuyển đều phải chấp hành nghiêm ngặt yêu cầu của việc tuyển chọn từ tiêu chuẩn về diện mạo, hình thể, tỷ lệ cân đối của thân, không có dị tật, bệnh lý đến năng khiếu... Khi đã qua được những “cửa” đó, các em mới chỉ được coi là vượt qua giai đoạn đầu. Thực tế từ khi trúng tuyển đến khi nhập học, vì nhiều nguyên nhân, số lượng học sinh cũng đã rơi rụng nhiều. Hơn nữa, trong quá trình tập luyện, phát triển, rèn luyện tố chất, nhiều em không đáp ứng được yêu cầu nên tiếp tục bị đào thải. 

Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết: Những năm qua, việc tuyển sinh của nhà trường thường xuyên gặp khó khăn. Năm 2017, Trường bắt đầu tuyển sinh từ tháng 3 và tuyển trong 2 tháng. Qua ba vòng thi, từ 8.321 em dự tuyển ban đầu chỉ có 35 em chính thức trúng tuyển. Sau 5 năm học, trường cũng chỉ dám kỳ vọng có 25 em tốt nghiệp... 

Để thu hút học sinh, Trường áp dụng chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống, đặc thù trong các trường văn hóa nghệ thuật như: Cấp quần áo tập, giày, tất, học bổng, trợ cấp nghề nghiệp cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Hàng tháng, Trường hỗ trợ tiền ăn tại nhà ăn cho các em học sinh. Ngoài học tập chuyên môn xiếc, tạp kỹ, học sinh được học chương trình văn hóa phổ thông theo lứa tuổi và học các môn cơ sở bổ trợ như: Kỹ thuật biểu diễn, múa, âm nhạc, hóa trang, ngoại ngữ, tin học… 

Từ năm 2006, Trường đã thành lập Nhà hát Thể nghiệm. Song song với những chức năng như khôi phục và dàn dựng các thể loại tiết mục xiếc truyền thống, nghiên cứu dàn dựng các thể loại xiếc mới, hiện đại mang tính thể nghiệm, Nhà hát Thể nghiệm đào tạo nguồn giáo viên kế cận cho Trường, tổ chức các chương trình biểu diễn để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động đào tạo. 
 
Nhiều tiết mục xiếc Việt Nam đoạt giải quốc tế được mời đi lưu diễn ở nước ngoài trong nhiều năm. (Ảnh: tiết mục patin, một trong những tiết mục nổi tiếng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam) . Nguồn: baomoi.com
Nhiều tiết mục xiếc Việt Nam đoạt giải quốc tế được mời đi lưu diễn ở nước ngoài trong nhiều năm. (Ảnh: tiết mục patin, một trong những tiết mục nổi tiếng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam) . Nguồn: baomoi.com

… Nâng tầm xiếc Việt 

Khi đi thi đấu với các đơn vị nghệ thuật xiếc trong nước và quốc tế, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam thường hay có những tiết mục “ăn điểm", giành giải cao. Mới đây, tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba (Circuba 2017), đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành Giải "Mái bạt Vàng" - Giải thưởng cao nhất của cuộc thi với tiết mục nhào lộn trên không “Cánh chim Việt”. Đây là tiết mục do hai học sinh Nguyễn Ngọc Ánh và Nguyễn Thị Thu Thùy của Trường thực hiện. Sau Liên hoan, một tập đoàn giải trí ở Vương quốc Anh mời Trường đem tiết mục "Cánh chim Việt" cùng một số tiết mục đặc sắc sang biểu diễn trong 6 tháng, bắt đầu vào tháng 3/2018. Một tập đoàn giải trí khác của Mexico cuối năm 2017 sẽ sang Việt Nam khảo sát, đề nghị gửi học sinh tới Trường để đào tạo... Những thành công này đã trở thành một động lực để Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong hoạt động đào tạo; đặc biệt là việc nâng cao chất lượng đào tạo, nuôi dưỡng tình yêu với nghề cho các em học sinh. 

Tuy nhiên, thực tế việc đào tạo ở Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu giáo viên. Mức lương chi trả cho mỗi giáo viên chỉ hơn 2 triệu đồng/người/tháng, việc tuyển dụng giáo viên càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, trường còn gặp khó khăn về trang thiết bị dạy, học. Trường đã có phòng tập 10.000m2 nhưng trang thiết bị còn sơ sài, nhiều đạo cụ chuyên dụng phải chế tạo thủ công, ông Hoàng Minh Khánh chia sẻ. 

Trước những khó khăn đó, tập thể lãnh đạo Nhà trường đã áp dụng các giải pháp: Ưu tiên, tập trung đầu tư trang thiết bị cho Nhà hát Thể nghiệm để tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu xây dựng các thể loại xiếc mới lạ và có chất lượng nghệ thuật cao. Đây cũng là nơi tương đối đạt chuẩn để học sinh biểu diễn, thực tập. Ban Giám hiệu nhà trường đã ký hợp đồng giao khoán giảng dạy tiết mục với các giáo viên đã nghỉ chế độ, nhưng còn đủ sức khỏe, giàu kinh nghiệm và thành tích biểu diễn trên sân khấu xiếc; cương quyết không giao học sinh cho những người thiếu tâm huyết với nghề và trình độ chuyên môn hạn chế. Trường khuyến khích các giáo viên tham gia viết, hoàn thiện giáo trình giảng dạy, đầu tư sưu tầm tài liệu từ nước ngoài về biên dịch làm tài liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh; đầu tư tập trung, có trọng điểm cho các thể loại, tiết mục xiếc mới lạ, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khán giả... Song song với đó, Trường tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo, thực hiện các dịch vụ đào tạo, biểu diễn, tìm thêm nguồn lực nâng cao đời sống cho cán bộ, giáo viên, học sinh. 

Tuy nhiên để xiếc Việt thực sự xứng tầm, khẳng định chỗ đứng tại các “đấu trường” lớn, ông Hoàng Minh Khánh cho biết ngoài việc thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng đào tạo, cũng cần quan tâm đến việc lựa chọn tiết mục phù hợp với thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã xây dựng chiến lược để khai thác năng lực của mỗi học sinh. Bên cạnh chuyên môn, Trường tích cực đào tạo văn hóa ứng xử, kỹ năng mềm cho học sinh, nhằm từng bước giúp các em có thể nhanh chóng hội nhập với đồng nghiệp khu vực và thế giới.
Mỹ Bình
TTXVN

Có thể bạn quan tâm