Đồng bào Khmer ở Trà Vinh rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây

Đồng bào Khmer ở Trà Vinh rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây
Những ngày này, về các phum, sóc ở Trà Vinh, đồng bào Khmer đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu để kịp đón Tết cổ truyền. Vụ Đông Xuân năm nay, năng suất lúa ở Trà Vinh đạt cao với mức hơn 6 tấn/ha, tăng khoảng 1 ha so với vụ trước; giá lúa cũng cao hơn từ 800-1.000 đồng/kg nên người trồng lúa thu được  lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng quà cho hộ nghèo ở xã Long Đức (Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hoà- TTXVN
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng quà cho hộ nghèo ở xã Long Đức (Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hoà- TTXVN
 
Gia đình anh Thạch Thắng, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đang khẩn trương thu hoạch 1,1 ha lúa  để chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Anh Thắng chia sẻ, năm nay đồng bào Khmer ở đây “ăn” Tết Chôl Chnăm Thmây vui hơn nhờ vụ mùa bội thu. Hầu hết các ruộng lúa trên địa bàn đều đạt năng suất hơn 7 tấn/ha, giá bán được thương lái mua tại ruộng 5.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha, tăng khoảng 10 triệu đồng so với vụ trước. Một số hộ năng suất đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha.
 
Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần có 2.895 hộ dân, trong đó số hộ Khmer chiếm gần 62%. Đồng bào Khmer ở đây chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Hầu hết các tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp trên địa bàn đều được nhựa hóa, bê tông hóa phục vụ người dân đi lại, giao thương hàng hóa.
 
Ông Võ Thanh Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách của Trung ương, của tỉnh và huy động các nguồn lực ở địa phương, năm 2017 toàn xã có thêm 83 hộ thoát nghèo, trong đó có 65 hộ người Khmer.

Tết cổ truyền năm nay, nông dân Khmer trên địa bàn rất phấn khởi nhờ sản xuất vụ lúa Đông Xuân thắng lợi. Để tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị sản xuất, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thời gian qua, địa phương đã tích cực vận động nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tham gia hợp tác xã để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước, giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào Khmer trong xã được cải thiện đáng kể. Năm 2018, địa phương phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.
 
Tỉnh Trà Vinh có gần 320.000 người là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn ưu tiên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer. Nhờ vậy, đời sống đồng bào Khmer trên địa bàn ngày càng khởi sắc.
 
Ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, trong năm  2017, Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số. Nhiều nguồn vốn, chương trình của Trung ương và địa phương đã được đầu tư để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer. Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh đã có bước đổi thay đáng kể, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer xuống 3%.
 
Năm 2017, tỉnh đã triển khai nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng xây dựng, duy tu các công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135. Thực hiện Quyết định 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỉnh giải ngân nguồn vốn hơn 13,7 tỷ đồng để hỗ trợ 10.541 hộ chủ yếu là gia đình Khmer nghèo trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
 
Tỉnh cũng giải ngân nguồn vốn hơn 36 tỷ đồng hỗ trợ đất ở cho 1.474 hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Cùng với sự chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào Khmer, tỉnh Trà Vinh cũng quan tâm và tạo điều kiện để đồng bào Khmer bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường, hiện nay các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú và các điểm chùa đều tổ chức dạy Ngữ văn Khmer. Công tác xây dựng hệ thống chính trị trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được chú trọng. Nhiều cán bộ dân tộc Khmer được đề bạt, bổ nhiệm, phân công giữ chức vụ quan trọng ở các ngành, các cấp…
 
Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôn-ta, Ok Om Bok của đồng bào Khmer, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều tổ chức thăm hỏi các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, chúc mừng chư tăng, phật tử; đồng thời tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho bà con.

Nhờ sự tương trợ, tôn trọng, bình đẳng giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tình đoàn kết ngày càng được thắt chặt hơn, qua đó góp phần xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp./.
  Thanh Hòa
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm