Yên Bái phát huy hiệu quả kinh tế từ măng tre Bát độ

Yên Bái phát huy hiệu quả kinh tế từ măng tre Bát độ
Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, tre Bát độ được xác định là một trong các loại cây trồng chủ lực, cần tập trung đầu tư phát triển, nâng cao giá trị và phát huy lợi thế của địa phương. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, tỉnh Yên Bái sẽ hình thành vùng sản xuất măng tre tập trung, nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô 6.600 ha, hằng năm cung cấp từ 100 - 120 nghìn tấn măng tươi cho thị trường trong và ngoài nước.
Người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) thu hoạch măng tre Bát độ. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
 Người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) thu hoạch măng tre Bát độ. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, hiện toàn tỉnh Yên Bái có hơn 3.600 ha diện tích tre Bát độ, sản lượng bình quân đạt 50 nghìn tấn/năm với giá trị gần 70 tỷ đồng. Cây tre Bát độ trồng tập trung tại các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên của tỉnh Yên Bái, là cây trồng chủ yếu để lấy măng, ngoài ra cây tre còn được bán cho các nhà máy giấy để làm hàng mã. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây măng tre đã khẳng định vị thế và phát huy hiệu quả kinh tế.  Hàng năm, vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 là mùa thu hoạch măng, thời điểm này người dân trồng tre Bát độ tấp nập lên đồi hái măng, cả vùng ngập tràn măng. Năm 2017, giá bán măng ống tươi khoảng 4.000 đồng/kg, ngọn tươi trên 4.000 đồng/kg, măng luộc chín dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Nhờ trồng tre Bát độ mà nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, đời sống gia đình khấm khá hơn. Các hộ dân trồng măng tre không phải lo đầu ra sản phẩm, được các doanh nghiệp như Công ty TNHH Vạn Đạt và Công ty Cổ phần Yên Thành... bố trí các điểm thu mua ngay tại xã, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ dân thuộc vùng quy hoạch với mức giá ổn định và hợp lý.
Măng tre Bát độ sau khi thu hoạch sẽ được đưa về sơ chế để đóng gói. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
 Măng tre Bát độ sau khi thu hoạch sẽ được đưa về sơ chế để đóng gói.
Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
Để có được đầu ra ổn định như trên, tỉnh Yên Bái đã triển khai những chính sách ưu đãi, thu hút, mời gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, nhất là đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến loại sản phẩm này, từng bước gắn kết vùng nguyên liệu sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết “4 nhà” bao gồm: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người nông dân yên tâm hơn vào việc trồng măng tre. Trấn Yên là huyện có diện tích trồng tre Bát độ lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Khi thu hoạch, măng tre Bát Độ có củ to, năng suất cao hơn rất nhiều lần so với loại măng tre khác. Toàn bộ diện tích hiện nay của huyện là 3.000 ha với sản lượng trên 35 nghìn tấn măng vỏ tươi mỗi năm, giá trị kinh tế mang lại từ loại cây trồng này lên tới gần 50 tỷ đồng. Trồng tập trung tại các xã: Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh... Ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên cho biết, cây măng tre Bát độ là loại cây có giá trị kinh tế cao, huyện tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa măng tre Bát độ tập trung, tạo thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời phấn đấu đến năm 2020, diện tích tre măng toàn huyện từ 3.500 – 4.000 ha.
Măng tre Bát độ sau khi thu hoạch sẽ được đưa về sơ chế để đóng gói. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
 Măng tre Bát độ sau khi thu hoạch sẽ được đưa về sơ chế để đóng gói.
Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
Kiên Thành là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng, hình thức canh tác quảng canh, trồng tràn lan các loại cây, mức độ rủi ro cao hay bị sâu bệnh nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, năm 2003, Đảng ủy xã Kiên Thành đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng măng tre Bát độ. Khi mới triển khai, xã gặp nhiều khó khăn do người dân còn đắn đo, không ủng hộ, vẫn còn quen với tập quán canh tác cũ, với lại chưa tìm được đầu ra ổn định. Do đó, các cán bộ, đảng viên trong xã vận động, tuyên truyền nhân dân, đồng thời đi đầu, thực hiện trên diện tích đất trồng của gia đình và đi tìm đầu ra sản phẩm. Từ đó, bà con trong xã thấy được hiệu quả từ cây măng tre Bát độ nên đã tự nguyện tham gia đăng ký trồng trên diện tích của gia đình, đến nay, xã có trên 80% hộ dân tham gia trồng loại cây này. Sau hơn 10 năm trồng, cây măng tre Bát độ đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nhân dân trong xã, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Gia đình ông Dương Kim Hưng, thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng măng tre Bát độ, hiện gia đình ông có khoảng 7 ha, trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là 5 ha với sản lượng 30 tấn, giá trị thu về hơn 100 triệu đồng. Ông Dương Kim Hưng chia sẻ, trồng măng tre Bát độ không mất nhiều công chăm sóc, mà giá trị thu về lại cao, mỗi năm chỉ cần phát cỏ và bón phân một lần. Đây là loại cây đem lại thu nhập ổn định và nhanh hơn so với những cây trồng khác, ngoài ra, còn tạo thêm việc làm cho bà con trong xã, mỗi vụ thu hoạch, gia đình ông thuê khoảng hơn 10 lao động. 
Măng tre Bát Độ có củ to, năng suất cao hơn rất nhiều lần so với loại măng tre khác. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
Măng tre Bát Độ có củ to, năng suất cao hơn rất nhiều lần so với loại măng tre khác. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các cán bộ nông nghiệp của huyện thường xuyên có mặt tại cơ sở, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch măng để mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu chất lượng không được đảm bảo thì sẽ bị trả lại toàn bộ sản phẩm, vì thế mà từ lúc trồng đến lúc sơ chế tại nhà, các hộ gia đình luôn cẩn thận, đảm bảo tuyệt đối các khâu. Ông Hoàng Văn Đà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho biết, Kiên Thành là vùng trọng điểm tre Bát độ của huyện Trấn Yên, đến hết năm 2017, toàn xã có hơn 1.500 ha tre Bát độ, trong sáu tháng đầu năm năm 2018 đã trồng mới được trên 154 ha; riêng năm 2017, sản lượng đạt 27.000 tấn, giá trị thu về trên 30 tỷ đồng, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%, đời sống của bà con nhân dân trong xã từng bước được cải thiện. Do diện tích đất sản xuất còn hạn chế nên trong thời gian tới xã tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung chăm sóc diện tích hiện có, sau khi thu hoạch cần bón phân giữ cho vụ sau. Đối với diện tích trồng lâu năm bị già cỗi thì chặt đi trồng mới. Cây măng tre Bát độ không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn có tác dụng trong việc trồng rừng, phủ xanh các đồi trọc, giữ đất, giữ gìn nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai. Với mục tiêu xây dựng, phát triển vùng tre Bát độ tập trung, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hiện đại, tỉnh Yên Bái sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng măng tre, hỗ trợ người dân một phần kinh phí về giống, phân bón giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong phát triển nông nghiệp bền vững và tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đinh Thùy – Việt Dũng

Có thể bạn quan tâm