Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng “chất” và “lượng” cho các sản phẩm du lịch

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng “chất” và “lượng” cho các sản phẩm du lịch
Phát triển điểm đến du lịch Một trong những thay đổi đáng ghi nhận của ngành Du lịch thành phố thời gian gần đây là việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, từ khai thác những điểm đến truyền thống đến phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, đồng loạt triển khai ngay trên từng quận, huyện.
Du khách tham quan trải nghiệm tuyến bus đường sông tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Du khách tham quan trải nghiệm tuyến bus đường sông tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Có thể kể đến là công tác phát triển sản phẩm du lịch của Ủy ban nhân dân Quận 5 dựa trên hoạt động kinh doanh tại địa bàn và nguồn nhân lực hiện có. Nhiều phố chuyên doanh được phát triển thành điểm đến du lịch trên quy mô rộng, chuyên nghiệp, bài bản hơn như: Phố Thời trang (đường Nguyễn Trãi), phố Đông Y (đường Hải Thượng Lãng Ông), phố Vàng bạc đá quý (đường Nhiêu Tâm)... Qua đó, khách du lịch trong và ngoài nước dễ dàng được tìm hiểu và trải nghiệm. Ở sản phẩm du lịch nông nghiệp, nhiều hộ gia đình tại Quận 9 đã đầu tư cải tạo, trồng mới vườn cây ăn trái, cây xanh, cây kiểng, tôn tạo cảnh quan để khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Điển hình như Nhà vườn Long Phước (rộng 4 ha, trồng cây ăn trái, phục vụ các món đặc sản Nam bộ, câu cá giải trí, cắm trại dã ngoại); đầm Sen Tam Đa của ông Lý Văn Sáng, đường Tam Đa… Ông Lý Văn Sáng cho biết, đầm Sen Tam Đa mở cửa đón khách tham quan từ năm 2015; trung bình mỗi ngày đón khoảng 20-30 lượt khách, ngày cuối tuần cao điểm có hơn 100 lượt khách. Đầm sen Tam Đa hiện có diện tích là 4 ha, tăng gấp đôi so với trước. Trong tháng 8 này, ông Sáng đã đăng ký thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Thành Ý nhằm hướng tới mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, bài bản hơn. Ông Sáng hy vọng trong thời gian tới, Công ty Thành Ý sẽ kết nối được với nhiều doanh nghiệp lữ hành, phát triển dịch vụ này đến với du khách. Cùng với các điểm đến du lịch, một năm qua, Trạm Thông tin và hỗ trợ khách du lịch (Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh) đặt tại Công viên 23/9 và Bến Bạch Đằng, Quận 1 đã phát huy hiệu quả trong truyền tải thông tin đến du khách. Lượng khách đến các Trạm tìm hiểu về các tour tuyến du lịch và sự kiện lễ hội của thành phố ngày càng tăng, các ngày cuối tuần cao điểm đón khoảng 150 lượt khách. Khách du lịch đến Trạm Thông tin được cung cấp miễn phí bản đồ du lịch của các tỉnh, thành trên cả nước và tra cứu internet. Ngoài ra, khi du khách gặp bất kỳ sự cố về an toàn trật tự, các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch vụ du lịch vận tải đều được các nhân viên hỗ trợ, gửi phản ánh đến các cơ quan chức năng. Cùng lúc, Trạm tiếp nhận thông tin liên lạc của du khách để khi có phản hồi về sự vụ sẽ thông tin một cách kịp thời nhất. Đại diện Trạm Thông tin du lịch cho biết, trong tháng 8, Phòng Đổi ngoại tệ (Money Exchange) được đưa vào hoạt động tại khu vực Trạm ở Công viên 23/9, Quận 1 nhằm tạo thêm sự thuận lợi cho du khách. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các công ty lữ hành, dịch vụ giải trí, mua sắm, trải nghiệm văn hóa, dành tặng cho khách du lịch những coupon, voucher giảm giá hấp dẫn khi đến Trạm thông tin.  
Khách quốc tế tham khảo thông tin du lịch. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Khách quốc tế tham khảo thông tin du lịch. Ảnh: Gia Thuận – TTXVN
Ông Nguyễn Hoài Trung, chuyên viên Phòng Thông tin và hỗ trợ khách du lịch (Sở Du lịch Thành phố ) chia sẻ, giai đoạn tiếp theo sẽ tăng cường bố trí các Trạm Thông tin trên địa bàn Quận 3, Quận 5, Ga đường sắt Sài Gòn và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; bổ sung đội ngũ nhân viên, hoàn thiện bộ máy để nâng cao hiệu quả của hoạt động thông tin hỗ trợ khách du lịch.Nâng “chất” để giữ chân du khách Sản phẩm du lịch phong phú sẽ hấp dẫn du khách nhưng bên cạnh đó cần tập trung nâng cao chất lượng mới giữ chân được khách du lịch. Vì vậy, ngành Du lịch thành phố xác định tiếp tục đầu tư chiều sâu các sản phẩm du lịch hiện nay. Đơn cử như du lịch đường sông, một trong những “đặc sản” của ngành Du lịch thành phố nhiều năm qua đã được quan tâm nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bến Thành Tourist chia sẻ, Trung tâm Du lịch quốc tế của Bến Thành Tourist vẫn thực hiện một số tour du lịch đường sông đưa du khách từ trung tâm thành phố đến huyện Củ Chi hoặc thành phố Mỹ Tho. Tour này đi trên những con sông lớn, cảnh sắc hai bên bờ ấn tượng nên được du khách đánh giá cao.  Tuy nhiên, một số tuyến du lịch đường sông trong thành phố vẫn chưa được khai thác nhiều do việc quy hoạch hai bên bờ sông chưa thật sự hấp dẫn, cuốn hút. Các điểm dừng, trạm đỗ của tuyến đường sông chưa đặc thù để thu hút du khách. Tổng Công ty Du lịch Saigontourist mạnh dạn khai thác 7 tour du lịch đường sông khai thác tuyến điểm khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận. Ông Trần Hùng Việt,Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết, nguồn thu của sản phẩm này so với các loại hình du lịch khác của thành phố hiện còn khá thấp. Khó khăn là các bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ chưa phát triển đồng bộ đi cùng với các sản phẩm của tour. Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, ông Hà Thanh Sơn, Phó Trưởng Phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Sở đã cùng với Sở Du lịch thành phố tăng cường phối hợp, triển khai các nội dung chương trình nhằm phát triển hạ tầng giao thông đường thủy hấp dẫn hơn cho du khách.
Khách tham quan tại Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN
Khách tham quan tại Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận - TTXVN
Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố tiếp tục khai thác Khu Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội hiện có. Khu bến cảng này có chiều dài 1.800 mét cầu cảng bằng bê tông cốt thép kiên cố, trong đó có 300 mét cầu cảng (tiếp giáp Bảo tàng Hồ Chí Minh) khai thác tàu du lịch quốc tế, tàu nhà hàng. Do vậy, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất thành phố bố trí 600 mét cầu cảng thuộc Khu cảng Sài Gòn – Khánh Hội để tiếp nhận các tàu khách quốc tế, tàu nhà hàng và các phương tiện thủy phục vụ du lịch. Về lâu dài, việc tiếp tục quy hoạch để khai thác 1.800 mét cầu cảng khu vực này cũng sẽ tạo thêm sự hấp dẫn của khu đô thị gắn với dòng sông Sài Gòn. Ở góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Sở  sẽ tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và hoàn thành chiến lược này trong năm 2018. Từ đây, sẽ xác định các dòng sản phẩm du lịch trọng điểm, tiềm năng và thị trường trọng điểm, tiềm năng để tiếp thị những dòng sản phẩm này. Các dòng sản phẩm du lịch trọng điểm như du lịch văn hóa, ẩm thực, MICE (hội nghị kết hợp du lịch), đường sông... sẽ chú trọng vào những điểm nhấn chuyên sâu hơn. Sở Du lịch thành phố cố gắng đến năm 2020 sẽ hoàn thiện các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có và nghiên cứu thêm các sản phẩm du lịch đường sông tầm ngắn, tầm trung, tầm xa. Đại diện ngành Du lịch thành phố nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ để đa dạng hóa hình thức dịch vụ du lịch, có những giải pháp cụ thể, nhằm tiếp đón các đoàn du khách ở từng đối tượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế./.
Gia Thuận
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm