Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa sông nước Đồng bằng sông Cửu Long

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa sông nước Đồng bằng sông Cửu Long
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cho biết: Văn hóa sông nước Đồng bằng sông Cửu Long là một chủ đề lớn với nhiều khía cạnh như: Lịch sử, văn học nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng, cư trú, du lịch sông nước… Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình hội nhập quốc tế cũng như biến đổi khí hậu đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. 
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN .
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN .

Nhóm tác giả Bùi Văn Mạnh, Phùng Thanh, Lê Văn Cao (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho rằng, bảo tồn các giá trị văn hóa sông nước tạo ra nền tảng tinh thần vững chắc, định hướng, nuôi dưỡng và phát triển đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn thế nữa, bảo tồn các giá trị văn hóa sông nước còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng. Chính vì thế, trong tiến trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, cần dựa trên nét văn hóa đặc trưng của vùng như: Mô hình chợ nổi, ẩm thực, du lịch bằng xuồng, ghe, hệ thống rừng ngập mặn…Thực tế cho thấy, những địa phương nào trong vùng phát triển được du lịch dựa trên thế mạnh tự nhiên, văn hóa bản địa và luôn cải thiện chất lượng phục vụ thì nơi đó có sự tăng trưởng ổn định. Đơn cử, tỉnh Kiên Giang có doanh thu du lịch trực tiếp năm 2016 đạt 3.500 tỷ đồng, với khoảng 5,4 triệu lượt khách, tăng 42% so với năm 2015 . 

Còn nhóm tác giả Nguyễn Hồ Phong, Châu Nguyễn Thảo Nguyên đến từ Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Nguyễn Hồ Thanh (Đại học An Giang) đề cập đến vấn đề bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Sản phẩm của các làng nghề đang ngày càng được du khách ưa chuộng, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân ở làng nghề, giải quyết bài toán lao động nông thôn tại chỗ. Ngoài ra, các tour du lịch tham quan, trải nghiệm làm sản phẩm tại các làng nghề cũng rất phát triển. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các mô hình làng nghề tại Đồng bằng sông Cửu Long như: Nghề dệt thổ cẩm, các sản phẩm làm từ bàng buông, đóng ghe, làm chài lưới… cần được các cấp lãnh đạo quan tâm hơn; cần có sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề… 

Nhóm các tác giả Thạch Chanh Đa (Đại học Cần Thơ), Đỗ Cao Phúc (Đại học Sài Gòn) lại đề cập đến sự đa dạng, giao thoa văn hóa Kinh – HoaKhmer tại vùng đất Tây Nam Bộ. Đặc điểm này góp phần tạo nên những dấu ấn văn hóa về tâm linh, kiến trúc, ẩm thực… rất độc đáo, cần được nghiên cứu kỹ và đưa vào phục vụ phát triển du lịch của vùng. Những kiến trúc chùa chiền, những lễ hội truyền thống… của đồng bào các dân tộc luôn là điểm nhấn trong các tour du lịch, nhất là đối với các tour dành cho du khách đến từ châu Âu…
Ánh Tuyết 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm