Lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội làm việc ở huyện Mường Tè và lắng nghe tâm nguyện vọng của bà con dân tộc vay vốn ưu đãi. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Lai Châu cho biết, bên cạnh những chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là một trong các đối tượng được vay vốn và được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách. Ngoài ra, các hộ dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn vay vốn các chương trình thông thường như xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm còn được hưởng mức lãi suất ưu đãi hơn so với hộ thông thường. Xác định rõ đây là cơ hội để giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vượt qua đói nghèo. UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu tuyên truyền chủ trương chính sách và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu, tính đến thời điểm 31/3/2018, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu đã thực hiện cho vay 13 chương trình, tăng 10 chương trình so với thời điểm nhận bàn giao, với 190.432 lượt khách hàng vay vốn là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay 4.106.318 triệu đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 1.803.912 triệu đồng với 48.874 hộ vay; trong đó số hộ dân tộc thiểu số đang vay trong các chương trình tín dụng còn dư nợ là 44.977 (chiếm 92% số hộ vay vốn), số món vay là 56.131 triệu đồng (chiếm 89,7%/tổng số món vay). Ngoài các chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn nhiều ở các chương trình tín dụng như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo về nhà ở... Ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Giám đốc Chi nhánh tỉnh Lai Châu khẳng định, nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Việc xây dựng các chính sách ưu đãi giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ từ đó ổn định đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống mà hộ dân tộc thiểu số chưa được thụ hưởng, giúp cho đời sống giảm bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội... đảm bảo an sinh xã hội. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn cũng được vay vốn để sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính quê hương mình,
Hộ ông Điêu Văn Sương, dân tộc Thái ở xã Mường Mô, (huyện Nậm Nhùn) vay 50 triệu đồng phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Tại huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu), sau 16 năm triển khai thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, doanh số cho vay là 538.154 triệu đồng, doanh số thu nợ là 346.568 triệu đồng. Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết, qua các năm, đã có hơn 27.595 lượt hộ được vay vốn; nguồn vốn cho vay đã giúp cho 4.465 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết tạo việc làm cho 6.732 lao động; giúp 1.723 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập, giúp 1.227 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở; xây dựng 1.748 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn… góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, kết quả hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 đến 7%. Hộ ông Lò Y Van là tấm gương nỗ lực vươn lên làm kinh tế thoát nghèo ở bản người Mảng thuộc bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu). Người Mảng ở đây nghèo khó, dân trí thấp, trông chờ ỉ lại Nhà nước hỗ trợ nên không chịu làm ăn, chỉ lo tụ tập uống rượu, nghiện hút thuốc phiện nên hầu hết là hộ nghèo. Ông Y Van đã vay 5 triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách xã hội để mua trâu, nhờ chăm chỉ làm ăn, có con trâu để cày ruộng nên kinh tế gia đình dần được cải thiện và là hộ thoát nghèo đầu tiên trong bản. Ông Lò Y Van chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi rất nghèo, không biết làm gì để phát triển kinh tế. Năm 2.000, Nhà nước cho vay vốn 5 triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách xã hội, cùng với vốn trong nhà đã mua được một con trâu để cày ruộng. Hiện tại thì gia đình tôi có cả đàn trâu, lợn và gia cầm gần 200 con, kinh tế gia đình khá giả". Hộ ông Điêu Văn Sương, dân tộc Thái ở bản Mường Mô 1, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) tái định cư theo chương trình di dân công trình thủy điện Lai Châu lên vùng đất mới năm 2014. Nhà có 6 khẩu, thuộc diện hộ nghèo nên rất khó khăn. Năm 2016, ông Điêu Văn Sương vay Ngân hàng Chính sách 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, gia đình ông Sương đã thoát nghèo và có 3 con trâu, hơn 20 con gà, 1 con lợn lái… có tiền để nuôi 4 người con ăn học. Ông Điêu Văn Sương cho biết: “Khi mới chuyển lên bản tái định cư, hoàn cảnh gia đình vất vả, chưa có nơi chăn nuôi, sản xuất. Bây giờ nhờ vốn của Ngân hàng chính sách cho vay, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi, sản xuất, kinh tế cũng dần ổn định, con cái cũng được ăn học”. Các hộ vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng chính sách xã hội ở Lai Châu đã được cải thiện đời sống. Với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức Hội, đoàn thể đã giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số cách sử dụng vốn hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trách nhiệm của người vay, do vậy hầu hết hộ vay đều thực hiện trả lãi, trả gốc khi đến hạn.
Việt Hoàng