Hậu Giang mở rộng diện tích cánh đồng lớn

Hậu Giang mở rộng diện tích cánh đồng lớn
Đoàn kiểm tra mô hình cánh đồng lớn tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Đoàn kiểm tra mô hình cánh đồng lớn tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Đầu tiên là các cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tại các huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy hiện đã được đầu tư, thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch. Trên địa bàn tỉnh có trên 20 doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình hợp tác, liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ nông sản. Chính vì vậy năm 2017, diện tích hợp đồng bao tiêu lúa của Hậu Giang đạt trên 9.255 ha. Các hợp tác xã hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật trong canh tác, thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nên lợi nhuận từ mô hình cánh đồng lớn cao hơn so với ngoài mô hình từ 3 đến 5 triệu đồng/ha/vụ. Đối với các hợp tác xã đang xây dựng mô hình cánh đồng lớn, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về vốn, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, trong hoạt động của các hợp tác xã vẫn còn một số mặt hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ lúa. Ông Hà Minh Triều, Giám đốc Hợp tác xã Phước Trung (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A) cho rằng, hiện nay, các chính sách ưu tiên về cơ sở vật chất hạ tầng, công trình thủy lợi cho các hợp tác xã  rất tốt, giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho bà con nông dân. Tuy nhiên, việc vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vẫn còn gặp khó khăn; sự liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu chưa bền vững, một số bà con nông dân chưa ý thức cao trong việc tham gia hợp đồng tiêu thụ lúa. Hợp tác xã Phước Trung hiện có gần 100 ha đất sản xuất nông nghiệp với tổng số vốn trên 1,9 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu của hợp tác xã đạt trên 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 250 triệu đồng. Trong năm 2018, hợp tác xã Phước Trung dự kiến mở rộng thêm 300 ha diện tích đất sản xuất để tiếp tục xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Theo Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Hậu Giang, các hợp tác xã muốn đủ điều kiện để được đầu tư, tập huấn kỹ thuật 3 giảm 3 tăng" (giảm lượng giống gieo sạ; giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm), "1 phải 5 giảm" (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch). Trong năm 2018, trên 15 hợp tác xã sẽ được hỗ trợ vốn phát triển từ nguồn vốn của dự án VnSAT, mỗi hợp tác xã có diện tích 500 ha trở lên và hoạt động hiệu quả sẽ được hỗ trợ số vốn lên đến 400.000 USD. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Hậu Giang đang tiến hành sàng lọc lại các hợp tác xã đã được đầu tư nhưng hoạt động kém hiệu quả để củng cố lại. Đồng thời, Ban sử dụng nguồn vốn của dự án VnSAT tập trung đầu tư vào các hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhằm xây dựng các hợp tác xã mạnh trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho rằng, cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương dành cho hợp tác xã hiện nay đã rất đầy đủ. Nếu các hợp tác xã cho thấy hiệu quả hoạt động, phấn đấu đạt các tiêu chí theo quy định của Trung ương thì việc thực hiện các chính sách hỗ trợ rất dễ dàng. Tuy nhiên, sự liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp vẫn còn chưa tốt và đây là khâu yếu nhất của các hợp tác xã, kể cả những hợp tác xã đang xây dựng cánh đồng lớn. Ngành nông nghiệp đang quyết liệt thực hiện các dự án hỗ trợ cho 20 hợp tác xã, đồng thời tập huấn cho các tổ hợp tác, nông dân để tập trung xây dựng các hợp tác xã mạnh. Ngoài việc thực hiện Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020, ngành nông nghiệp sẽ sử dụng nguồn vốn từ Dự án VnSAT để tạo ra bước đột phá nhằm xây dựng các hợp tác xã mạnh, hoạt động hiệu quả. Đối với các hợp tác xã, cần phải phấn đấu có diện tích sản xuất từ 500 ha trở lên, có hợp đồng bao tiêu và phải thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp để đạt tiêu chí về doanh thu nhằm cho thấy hiệu quả hoạt động của mình để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ. Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 135 hợp tác xã; trong đó, ngành nông nghiệp đã tiến hành khảo sát nhằm hỗ trợ, hướng dẫn 10 hợp tác xã tham gia thực hiện Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn triển khai nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của các hợp tác xã để lập kế hoạch xem xét bố trí kinh phí năm 2018. Trong năm 2018, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng lớn trên mỗi vụ sản xuất; vận động liên kết, thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác trong cánh đồng lớn. Hậu Giang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; tăng cường kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân, hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.
Hồng Thái

Có thể bạn quan tâm