Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trao Bằng khen cho 199 người uy tín tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Dư Toán - TTXVN |
Được tổ chức 4 năm một lần, Hội nghị gặp mặt biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai là dịp để người có uy tín gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn các hoạt động xã hội như: Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Ông Rơ Lan Hào, già làng kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê cho biết: Ông thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trong làng tổ chức triển khai hiệu quả cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thị trấn. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực tham gia đẩy mạnh xây dựng, giữ vững danh hiệu làng Hăng Ring văn hóa, nhờ đó 90% hộ gia đình trong làng được công nhận gia đình văn hóa, làng Hăng Ring luôn dẫn đầu về kinh tế, văn hóa xã hội nhiều năm liền trong các làng dân tộc thiểu số của thị trấn Chư Sê.
Ông Y Thành, người có uy tín làng KDung 2, xã Hra, huyện Mang Yang chia sẻ, những năm qua nhiều thế lực thù địch có âm mưu chống phá thành quả cách mạng Việt Nam, thường xuyên kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ yếu tại ba làng KretKrot, KDung 1 và Bơ Chăk, xã Hra. Vì vậy, ông đã tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe theo các thế lực thù địch bằng hình thức lồng ghép trong những buổi gặp mặt, sinh hoạt để giải thích cho người dân hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, tình trạng người dân theo "tà đạo" đã giảm hẳn. “Hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn 22 hộ với 43 nhân khẩu tin theo tà đạo Hà Mòn. Trong thời gian tới, tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình là cầu nối, người đáng tin cậy trong giáo dân, tích cực tuyên truyền, vận động để người dân xã Hra thực sự bỏ tà đạo Hà Mòn, tập trung phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, ông Y Thành khẳng định.
Người có uy tín trao đổi kinh nghiệm trong các hoạt động xã hội, giữ vững an ninh trật tự. Ảnh: Dư Toán - TTXVN |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Kpa Thuyên cho rằng, những năm qua, cùng với sự quyết liệt của chính quyền địa phương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn, giành được thành tựu to lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày được nâng cao, khối đại đoàn kết được giữ vững, phá tan âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Thời gian tới, các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết, xây dựng nhiều mô hình người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chế độ, chính sách, thăm hỏi, động viên người có uy tín; khen thưởng kịp thời đối với các già làng, người uy tín tiêu biểu; phát huy trí tuệ, ý kiến hay, việc làm tốt của người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Kpa Thuyên nhấn mạnh.
Từ năm 2015 - 2018, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức hơn 20.000 buổi tuyên truyền, vận động với trên 600.000 lượt bà con các dân tộc tham gia; qua đó góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được tăng cường.
Bên cạnh đó, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gần 5.000 buổi và cấp phát trên 6.400 tài liệu tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới; hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”…
Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã trao Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku năm 1946 cho 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng tặng Bằng khen tặng 199 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư.
Dư Toán