Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng làm việc với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Dự án trên được triển khai trong giai đoạn 2017 – 2019 và 2021 – 2025 (dự kiến). Kinh phí thực hiện sẽ do Quỹ giảm nghèo Nhật Bản tài trợ ủy thác thông qua ADB, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao. Tại Việt Nam, trong giai đoạn khởi động của dự án có 3 tỉnh, thành phố được chọn tham gia là Thái Bình, Tây Ninh và Cần Thơ.
Theo TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), các địa phương được chọn tham gia dự án dựa trên các tiêu chí như: có khả năng vay được vốn ODA, chỉ số PCI 2016/2017, có doanh nghiệp đã hoặc sẽ đầu tư tại địa phương có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị cùng với lợi thế để phát triển cơ sở hậu cần phục vụ nông nghiệp, gần vùng sản xuất...
Trước câu hỏi, nếu chọn một mặt hàng chủ lực để tập trung phát triển thì Cần Thơ sẽ chọn mặt hàng nào của ông Sanath Ranawana, chuyên gia cao cấp về kinh tế tài nguyên tự nhiên của ADB, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, trong các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của thành phố như gạo, thủy sản, trái cây thì Cần Thơ sẽ chọn trái cây để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật mà ADB tài trợ.
Giải thích cho sự lựa chọn này, ông Dũng cho rằng đối với thủy sản thì các doanh nghiệp hiện có của Cần Thơ có thể đảm đương được, lúa gạo cũng tương tự. Tuy nhiên, riêng trái cây, dù mỗi năm Cần Thơ sản xuất khoảng 100.000 tấn nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp lớn có thể dẫn đầu chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp chế biến lớn chủ yếu tập trung ở thủy sản và lúa gạo.
Trái cây là mặt hàng đặc trưng được người dân mua bán nhiều nhất tại Chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
Trong 4 mặt hàng chủ lực được Cần Thơ xác định hoàn thiện chuỗi giá trị đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gồm lúa gạo, thủy sản, trái cây và chăn nuôi thì hiện nay Cần Thơ đang thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Do đó, nếu tham gia dự án của ADB thì trái cây sẽ là mặt hàng tiếp theo được chọn để phát triển chuỗi giá trị.
Đối với lựa chọn của Cần Thơ, chuyên gia Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, nếu Cần Thơ chỉ trông cậy vào tổ chức sản xuất mà không có cách làm khác thì không thể cạnh tranh lại các tỉnh khác trong vùng. Theo đó, khâu sản xuất giống cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn đang bỏ ngỏ, cây giống chủ yếu do nông dân tự sản xuất còn số lượng do các trung tâm nghiên cứu, viện, trường đưa ra rất ít. Bên cạnh đó, các thiết bị tưới, phun hầu hết cũng phải mua từ nơi khác về và nông dân tự chế tạo. Do đó, nếu Cần Thơ có thể đầu tư phát triển đầu vào của ngành trái cây, bên cạnh đầu ra thì sẽ rất tốt, chuyên gia này gợi ý.
Kết thúc buổi làm việc, ông Sanath Ranawana của ADB cho biết phía ADB sẽ sớm tổ chức một hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh trong dự án để bàn các phương án tiếp theo của dự án.