Yên Bái tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

Được chính quyền quan tâm, ngân hàng cho vay ưu đãi, gia đình chị Cứ Thị Dở, dân tộc Mông, ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, mua thêm máy thêu tăng thêm sản phẩm cung cấp cho thị trường, và tạo việc làm cho 3 lao động. Ảnh: Trần Việt
Được chính quyền quan tâm, ngân hàng cho vay ưu đãi, gia đình chị Cứ Thị Dở, dân tộc Mông, ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, mua thêm máy thêu tăng thêm sản phẩm cung cấp cho thị trường, và tạo việc làm cho 3 lao động. Ảnh: Trần Việt

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của đồng bào.

Yên Bái tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững ảnh 1Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình anh Thào A Pàng ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, Mù Cang Chải có điều kiện nuôi trâu sinh sản, mua máy xay xát, làm công trình nước sạch, nhà anh được đánh giá điển hình trong việc sử dụng vốn vay ưu đãi. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái có diện tích tự nhiên gần 6.900 km2, là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc với dân số đến thời điểm hiện tại gần 85 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57 %.

Xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh nội sinh nên những năm qua, Yên Bái luôn quán triệt và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh 2020-2025 đến nay, Yên Bái đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết hợp với tích cực tổ chức các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh ưu tiên bố trí trên 12.000 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung vào hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2021-2025, Yên Bái được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trên 1.384 tỷ đồng, chiếm 54% tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng cao của tỉnh đã có bước phát triển tích cực, khởi sắc từng ngày.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, gần 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Hơn 95% đường từ các thôn, bản đến trung tâm xã được cứng hóa. Trên 97% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia... Cùng với đó, hệ thống cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư với 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 47 trường Phổ thông Dân tộc bán trú, 30 trường có học sinh bán trú. Học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường nội trú, bán trú đạt 40,7%.

Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên. Yên Bái là tỉnh thứ 24 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3 và là tỉnh thứ 18 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 2.

Yên Bái tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững ảnh 2Được chính quyền quan tâm, ngân hàng cho vay ưu đãi, gia đình chị Cứ Thị Dở, dân tộc Mông, ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, mua thêm máy thêu tăng thêm sản phẩm cung cấp cho thị trường, và tạo việc làm cho 3 lao động. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân vùng cao được cải thiện rõ rệt. Hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm còn 12,9% (giảm 5,15% so với 2021); trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 22,2% (giảm 8,15% so với 2021), vượt mục tiêu đề ra.

Theo ông Trần Xuân Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, Yên Bái đặt mục tiêu đến 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh.

Giảm nghèo bền vững


Công tác giảm nghèo của Yên Bái những năm qua đã đạt được kết quả tích cực với tỷ lệ giảm bình quân trên 4%/năm. Đây là thành quả từ sự linh hoạt trong việc lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người nghèo phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu giảm 3,5% hộ nghèo, 1,22% hộ cận nghèo so với năm trước.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của các địa phương trong công tác vận động đã tạo cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh thêm niềm tin với Đảng, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua những định kiến lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự vươn lên phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững.

Yên Bái tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững ảnh 3Có thêm vốn vay ưu đãi gia đình anh Giàng A Vềnh, dân tộc Mông ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải có điều kiện cải tạo nhà ở thành nơi lưu trú cho khách du lịch, gia đình có việc làm, thu nhập ổn định. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Kiên Thành trước đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà đã chủ động khai thác những lợi thế từ kinh tế lâm nghiệp, phát triển mở rộng diện tích quế, tre măng Bát Độ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Nhờ đó nhiều gia đình trong xã có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.

Ông Hoàng Ngọc Chấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho hay, năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, xã đã có 30 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,98%. Năm 2023, xã phấn đấu hỗ trợ 18 hộ thoát nghèo, giảm hộ nghèo xuống còn 3,14 %.

Còn tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã xác định trọng tâm là thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của huyện đạt trên 8,44%/năm. Tổng số hộ nghèo còn 6.344 hộ, chiếm 48,28%. Số hộ cận nghèo là 1.452 hộ, chiếm 11,05%.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên chia sẻ, đáng mừng là nhờ những nghị quyết, chính sách kịp thời của Trung ương và tỉnh, người dân trong huyện đã từng bước hình thành tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Kết quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Yên Bái đã góp phần quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách vùng miền. Cơ cấu kinh tế của các địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện; khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được củng cố và tăng cường.

Tuấn Anh - Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm