Hiện nay, cùng với cứu trợ, tiếp tế cho người dân còn mắc kẹt hoặc tạm trú ở những nơi an toàn, tỉnh Yên Bái huy động tối đa lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra trên diện rộng.
Tiếp cận cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân
Ngay từ chiều 11/9, lũ trên sông Hồng, sông Chảy bắt đầu rút, việc cứu trợ, cứu nạn tiếp tục được thực hiện khẩn trương. Cơ bản các điểm xung yếu, khó tiếp cận, đến nay lực lượng đã tiếp cận, hỗ trợ nhu yếu phẩm tới người dân.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đêm 11/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chỉ đạo các địa phương tập trung cao độ vào việc cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người mất tích, quan tâm chăm lo hậu sự cho người đã mất. Đồng thời chưa cho phép các hộ dân đã di dời ra khỏi vùng nguy hiểm trở về nhà khi chưa đảm bảo an toàn, nhất là những hộ xung quanh hồ Thủy điện Thác Bà.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu, ngành Y tế bố trí đầy đủ con người, thuốc men, vật tư, trang thiết bị cho việc thường trực cấp cứu người bị thương tại các cơ sở y tế, đồng thời tiếp cận các trạm y tế bị cô lập để hỗ trợ, khắc phục hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất. Thành lập đoàn công tác xuống vùng lũ khó khăn để khám, chữa bệnh và hướng dẫn bà con phòng, tránh bệnh tật sau lũ.
Việc hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai nhanh, mạnh mẽ ở tất cả địa phương; điều phối khoa học, hợp lý nguồn lực hỗ trợ người dân, ưu tiên hộ gặp khó khăn, tiếp tục kết nối các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân những nơi bị cô lập.
Hiện nay, các địa phương đang tập trung cứu nạn, tìm kiếm 2 người mất tích ở 2 huyện Lục Yên, Văn Yên; chăm sóc y tế cho 24 người bị thương nặng. Đồng thời duy trì, đảm bảo chỗ ăn, ở cho hàng nghìn người dân tránh lũ tại các cơ quan, trường học, cơ sở lưu trú; tiếp nhận, phân phối kịp thời lương thực, vật tư viện trợ cho người dân, đảm bảo không để ai bị đói, rét.
Yên Bái đang tiếp tục huy động, điều phối lực lượng và phương tiện máy móc, vật tư cho việc thi công, sửa chữa nhanh nhất điểm giao thông bị nước cuốn trôi, sạt sở, sụt lún để đảm bảo an toàn đi đến khu vực bị chia cắt, cô lập; hỗ trợ ngành điện, viễn thông sớm khắc phục sự cố, đảm bảo hoạt động ổn định trở lại.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã, đang kêu gọi việc hỗ trợ từ các địa phương, tổ chức, cá nhân ủng hộ mặt hàng cứu trợ; vận động hội viên tổ chức nấu cơm cấp phát cho người dân, lực lượng tham gia ủng hộ. Tính đến nay, Yên Bái đã tiếp nhận và phân bổ trên 19 tỷ đồng từ 32 tổ chức, cá nhân, đón nhận 56 đoàn cứu trợ vận chuyển hàng hóa phân phát tới các địa phương.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Từ sáng 12/9, trên tuyến Quốc lộ 37, đoạn qua thành phố Yên Bái, một số vị trí bị sạt lở đất, sụt lún, ngành Giao thông Vận tải đang khắc phục để thông tuyến. Quốc lộ 70 sạt sụt lớn đang được khắc phục nhưng các phương tiện chưa thể di chuyển; riêng tuyến đường Đông Hồ nước đã rút, thông tuyến lên tới trung tâm huyện Lục Yên. Ngành chức năng đang kiểm tra, đánh giá độ an toàn những cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Chảy.
Ngành điện đã cấp điện trở lại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số nơi ở huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên và Yên Bình. Tuy nhiên, trên một số tuyến truyền tải điện 110 KV tại tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đến móng cột. Công ty Điện lực Yên Bái huy động lực lượng khắc phục, đồng thời đảm bảo an toàn và cấp điện cho nhân dân sớm nhất.
Số trạm phát sóng BTS của các nhà mạng được khắc phục gần 70%. Một số doanh nghiệp viễn thông tham gia hỗ trợ ứng cứu thông tin...
Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, nguồn hàng thiết yếu tương đối dồi dào, đảm bảo cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân như, điện, nước, xăng dầu và cung ứng đủ mặt hàng thiết yếu, kiểm soát giá thị trường.
Ngành Y tế hướng dẫn và chỉ đạo y tế cơ sở tổ chức phun khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương vùng lũ.
Chỉ đạo khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn yêu cầu, các địa phương nhanh chóng tìm đất bố trí tái định cư cho các hộ có nhà bị sập, nằm trong vùng nguy hiểm buộc phải di dời; kịp thời khắc phục việc vỡ đê ở Trấn Yên để cứu diện tích dâu có thể phục hồi. Đồng thời sửa chữa ngay công trình thủy lợi phục vụ tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp; thành lập đoàn hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cây trồng phù hợp, khôi phục sản xuất ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên và thành phố Yên Bái.
Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo hỗ trợ sửa chữa phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy học và có chính sách hỗ trợ phù hợp để học sinh sớm quay lại trường học. Ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ, khắc phục kịp thời.
Tiến Khánh