Yên Bái oằn mình chống lũ

Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa lớn kéo dài làm nước lũ dâng cao gây ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tổn thất khá nặng nề về người và tài sản. Trước tình hình trên, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái đang nỗ lực chống lũ, chủ động triển khai các lực lượng để ứng phó và xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra.

vna_potal_thanh_pho_yen_bai_van_chim_trong_bien_nuoc_gan_8000_ngoi_nha_bi_ngap_ung_stand.jpg
Người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa sau khi nước rút. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Thiệt hại nặng nề người và tài sản

Mưa lũ trong 2 ngày vừa qua đã khiến tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nề. Sạt lở đất đã làm nhiều người chết và mất tích; nhiều ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng, hàng nghìn ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập, vùi lấp; hàng vạn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều con đường, cây cầu bị ảnh hưởng, xuống cấp; ngập lụt đang làm chia cắt nhiều nơi, nhiều khu vực dân cư bị cô lập.

Tính đến chiều 10/9, toàn tỉnh Yên Bái đã có 34 người chết và mất tích, trong đó 29 người chết do sạt lở đất, nhiều nhất là thành phố Yên Bái là 20 người, huyện Lục Yên 8 người và huyện Văn Chấn 1 người; 5 người mất tích ở Lục Yên; 13 người bị thương ở thành phố Yên Bái và các huyện Lục Yên, Văn Yên. Diện tích bị ngập úng thiệt hại và ảnh hưởng hơn 3.800 ha lúa, ngô và hoa màu các loại.

Thành phố Yên Bái và một số địa phương như: Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải... nước lũ gây ngập nhiều nơi, chia cắt nhiều khu dân cư. Theo thống kê có gần 21.700 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 71 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 30 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; 764 nhà bị sạt lở, taluy; phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn là 2.699 nhà; bị ngập nước 17.815 nhà...

vna_potal_thanh_pho_yen_bai_van_chim_trong_bien_nuoc_gan_8000_ngoi_nha_bi_ngap_ung_7585078.jpg
Sạt lở ta-luy tại đường Điện Biên, phường Yên Ninh, khiến 10 hộ dân bị ảnh hưởng và tắc toàn bộ tuyến đường chính. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Thiệt hại về cơ sở hạ tầng, chủ yếu là hạ tầng giao thông. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, tính đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm vị trí bị sạt lở, cống bị cuốn trôi khiến giao thông bị tê liệt nhiều giờ ở nhiều địa phương. Điển hình như Quốc lộ 32 có trên 100 vị trí sạt lở taluy, tổng khối lượng khoảng 6.500 m3; có 5 vị trí bị lũ cuốn trôi gây tắc đường. Các tuyến đường còn lại đều có hàng trăm vị trí bị sạt lở, lũ cuốn và nước ngập, ước tổng khối lượng đất đá khoảng hơn 37.000 m3.

Ngoài ra, có 25 công trình thủy lợi bị sập, gãy đổ, bồi lấp kênh, ngập sâu; 46 cột điện cao, trung và hạ áp bị đổ gẫy, đứt hơn 1.500 m dây; 2 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone bị mất sóng do sét đánh; 128 trạm BTS bị ảnh hưởng mất liên lạc; 5 tuyến cáp quang nội tỉnh bị gián đoạn, trong đó còn 3 tuyến các quan chưa khắc phục được. Ước tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trong mấy ngày qua khoảng 195 tỷ đồng.

Hiện nay, tuyến đê kết hợp với đường Quốc lộ 2C, tại địa bàn xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã ngập sâu, gây ách tắc giao thông, nước sông Hồng đã tràn vào đồng ruộng gây ngập sâu toàn bộ diện tích lúa hơn 10 ha tại đây. Cũng tại địa bàn huyện Trấn Yên, đã có 3.823 nhà thuộc 10 xã ngập sâu trong nước đang bị chia cắt và cô lập; một số công trình thủy lợi, đê điều, đường giao thông bị hư hại nặng nề… Huyện Trấn Yên đã huy động 3.000 người tham gia khắc phục hậu quả.

Huyện Lục Yên có 50 nhà ở bị sập hư hỏng hoàn toàn, nhiều nhất tỉnh. Mưa lũ làm sạt lở hàng trăm điểm của tuyến Quốc lộ 70 và các tuyến tỉnh lộ, có nơi ngập sâu đến 3 - 4 m, giao thông bị chia cắt không thể đi lại được; thiệt hại trên 340 ha lúa, gần 19 ha ngô và 4,5 ha hoa màu các loại…

Nỗ lực ứng phó, khắc phục hậu quả

Thông tin về tình hình chống lũ và khắc phục hậu quả trong 2 ngày qua, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, tỉnh Yên Bái đã huy động trên 10.850 người tham gia chống lũ, khắc phục hậu quả. Huy động tổng lực về các phương tiện để đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường, gồm 18 máy xúc, 2 xúc lật, 1 xe lội nước, 8 xuồng máy, 3 thuyền nhẹ, 16 xe ô tô...

vna_potal_thanh_pho_yen_bai_van_chim_trong_bien_nuoc_gan_8000_ngoi_nha_bi_ngap_ung_7585102.jpg
Sáng 10/9/2024, khu vực ngã tư km2, thành phố Yên Bái, vẫn ngập trong biển nước. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tỉnh Yên Bái cũng đã tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sỹ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ. Địa phương bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống; tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.

Tuy nhiên, mực nước lũ trên sông Thao tại Yên Bái vẫn đang tiếp tục lên nhẹ, mực nước lúc 13 giờ ngày 10/9 là 35,66 m, trên báo động 3: 3,66m; trên sông Ngòi Thia mực nước là 43,15m, dưới báo động 1 là 1,35 m. Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử, mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức cao, nhiều địa phương vẫn bị chia cắt, cô lập, cũng như nguy cơ xảy ra sạt lở taluy, úng ngập trên diện rộng, việc tiếp cận cứu trợ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Có mặt và chỉ đạo trực tiếp tại khu vực ngập sâu nhất của phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái Tạ Văn Long yêu cầu chính quyền và lực lượng hỗ trợ ưu tiên tối đa về nhân lực và phương tiện để cứu người bị kẹt trong các nhà bị ngập. Đồng thời, nhanh chóng vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống để tiếp tế cho người dân; quan tâm chăm sóc về y tế cho người già và trẻ nhỏ, hạn chế thấp nhất tổn hại về người.

vna_potal_thanh_pho_yen_bai_van_chim_trong_bien_nuoc_gan_8000_ngoi_nha_bi_ngap_ung_7585071.jpg
Lực lượng quân đội đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã đề nghị Quân khu II hỗ trợ ngay về phương tiện để tổ chức cứu trợ cho các địa phương của Yên Bái; huy động lực lượng chuyên nghiệp để có những giải pháp phù hợp trong cứu hộ, cứu nạn, nhất là việc di dời các hộ dân những vùng xung yếu, hộ dân ngập úng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết.

Tỉnh Yên Bái trích ngân sách hỗ trợ kinh phí cho gia đình có người bị chết 25 triệu đồng/người; hỗ trợ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng/người.

Tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm đến diễn biến thời tiết, việc xả lũ của các thủy điện, đặc biệt quan tâm cứu hộ, cứu nạn, nhất là phương án tiếp tế cho người dân tại các địa bàn đang khó tiếp cận.

Đối với những vị trí có nguy cơ sụt sạt cao, chính quyền sở tại chủ động tiếp tục di dời người và tài sản; triển khai các giải pháp về khắc phục tình trạng thiếu các nhu yếu phẩm, nhất là sớm khắc phục điện sinh hoạt, thông tin liên lạc, xăng dầu... Để chuẩn bị khi nước rút, tỉnh Yên Bái đã thành lập lực lượng liên ngành, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau lũ theo kế hoạch đã đề ra.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm