Ông Vàng A Chú, thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái), cho trâu ăn cỏ tại chuồng khi trời rét. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN |
Huyện Mù Cang Chải có nhiều hộ chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế. Trên địa bàn huyện có trên 61.000 con gia súc; trong đó, đàn trâu trên 13.000 con, còn lại là bò và các loại gia súc khác. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ giảm sâu kèm theo sương muối và xuất hiện băng giá gây bất lợi cho chăn nuôi. Những năm trước huyện Mù Cang Chải là địa phương luôn chịu thiệt hại lớn về kinh tế khi trâu, bò chết rét. Riêng hai đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2018, huyện có gần 400 con gia súc bị chết rét. Nhằm giảm thiểu thiệt hại cho đàn gia súc trong các đợt rét đậm, rét hại, huyện Mù Cang Chải đã tập trung chỉ đạo các cấp ngành, đoàn thể và các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thu gom dự trữ thức ăn.
Người dân ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái), dự trữ rơm khô nhằm bổ sung thức ăn cho trâu vào mùa đông. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN |
Cụ thể là trồng 230 ha diện tích cỏ voi, ngô đông xuân các loại và hàng nghìn cây rơm khô, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để bổ sung thức ăn cho gia súc khi trời rét đậm, rét hại. Đồng thời, chủ động nuôi nhốt đàn gia súc và hướng dẫn pha chế thức ăn tinh, thô; quây kín chuồng trại bằng bạt,… Ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, trên địa bàn huyện có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu như thả rông gia súc, hoặc có chuồng trại cho gia súc nhưng che chắn không đúng cách. Vì vậy, trong năm 2018 huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân tu sửa được hơn 600 chuồng, trại chăn nuôi nâng tổng số chuồng được tu sửa trên địa bàn huyện là 6.800, hiện huyện chỉ còn khoảng 600 chuồng chưa được tu sửa.
Người dân xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái), dự trữ củi để sưởi ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN |
Bên cạnh đó, huyện còn cử cán bộ xuống các thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân không được chăn thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, khi nhiệt độ tăng cao mới chăn thả và tranh thủ khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh cho gia súc để kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Nhiều gia đình nơi đây khi được xã tuyên truyền và hướng dẫn chăm sóc cho đàn gia súc đã chủ động lùa đàn gia súc về chuồng để nuôi nhốt và che chắn cẩn thận khi nhiệt độ xuống thấp. Người dân cũng tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp và pha thêm các thức ăn có hàm lượng tinh bột cao cho đàn gia súc ăn, chuẩn bị thêm củi và trấu để sưởi ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống quá thấp để giảm thiểu các thiệt hại cho đàn gia súc.
Người dân ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), bổ sung thức ăn tinh cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN |
Ông Lù A Tu, bản Cung 11, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải chia sẻ, con trâu là tải sản lớn của gia đình. Nhờ được xã tuyên truyền nên mùa đông năm nay ông đã chủ động che bạt quanh chuồng và trồng cỏ voi dự trữ thức ăn, phòng khi nhiệt độ xuống thấp không chăn thả trâu được. Tại các huyện vùng thấp của tỉnh Yên Bái, bà con nhân dân ở đây cũng tập trung thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp. Gia đình ông Hờ A Tỉnh, thôn Hồng Lâu và ông Vàng A Chú, thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cũng đã trồng cỏ voi và dự trữ nhiều rơm khô, củi đốt để khi trời rét có thức ăn sẵn cho trâu, bò. Ông Vàng A Chú cho biết, trước đây gia đình ông thường xuyên chăn trả rông gia súc vào mùa đông, từ khi được cán bộ xã đến tuyên truyền gia đình ông đã xây dựng chuồng và lùa trâu về chuồng khi nhiệt độ xuống quá thấp. Hiện tổng đàn trâu, bò của tỉnh Yên Bái có gần 135.000 con, đây là nguồn lực kinh tế quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Đinh Thùy